Ung thư buồng trứng là một trong những bệnh ung thường gặp ở phụ nữ. Theo thống kê từ GLOBOCAN 2020 (Tổ chức Ghi nhận Ung thư toàn cầu), Việt Nam có đến 1.404 ca mắc mới ung thư buồng trứng chiếm 0.77% tổng số ca ung thư.
Trong đó có đến 923 ca tử vong, đứng hàng thứ 5 về tỷ lệ tử vong do ung thư ở nữ giới. Với độ nguy hiểm vô cùng cao, việc hiểu về ung thư buồng trứng là vô cùng cần thiết để bản thân có những phương pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Ung thư buồng trứng là gì?
Buồng trứng là một trong những cơ quan sinh sản của nữ giới. Mỗi người phụ nữ sẽ có hai buồng trứng nằm ở vùng chậu và ở hai bên tử cung. Buồng trứng có chức năng sản xuất ra trứng để tham gia vào quá trình thụ tinh. Mỗi buồng trứng chứa hàng triệu tế bào để tạo ra trứng. Đến ngày rụng trứng, một trứng sẽ rụng, theo vòi trứng đến tử cung để sẵn sàng thụ thai
Buồng trứng còn sản xuất nội tiết tố nữ gồm estrogen và progesterone. Hai loại nội tiết tố này có tác động đến sự phát triển cơ thể của phụ nữ cũng như chu kỳ kinh nguyệt, mang thai.
Ung thư buồng trứng có tên gọi tiếng Anh là Ovarian cancer. Đây là tình trạng mà một hoặc cả hai buồng trứng xuất hiện những khối u ác tính. Chúng xâm lấn, tấn công phá hủy các mô, cơ quan bộ phận trong cơ thể. Thậm chí, các khối u ác tình này còn có thể di căn đến những cơ quan khác, gây ung thư tại những cơ quan đó.
Buồng trứng gồm những tế bào mầm để tạo trứng. Nếu những tế bào mầm này bị ung thư thì được gọi là ung thư tế bào mầm buồng trứng.
Bao bọc lấy buồng trứng là một lớp tế bào biểu mô. Nếu những tế bào này bị ung thư thì gọi là ung thư biểu mô buồng trứng. Có đến 90% ca bệnh ung thư bắt đầu từ biểu mô buồng trứng. Cho nên khi nói đến ung thư buồng trứng thì thường được hiểu là bệnh ung thư biểu mô buồng trứng.
Nguyên nhân ung thư buồng trứng
Hiện nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu những yếu tố sau đây khiến một số phụ nữ dễ mắc ung thư buồng trứng hơn những người khác.
- Những phụ nữ nào có tiền sử gia đình có mẹ, chị em gái đã từng bị ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư đại tràng sẽ dễ mắc bệnh hơn.
- Những phụ nữ nào có tiền sử bản thân mắc bệnh ung thư vú, ung thư đại tràng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường.
- Phụ nữ dùng hormone để điều trị sau khi mãn kinh làm tăng nguy cơ mắc hơn bình thường.
- Những phụ nữ đã sinh con có nguy cơ bị ung thư buồng trứng thấp hơn phụ nữ đã sinh con. Đã sinh càng nhiều con thì tỷ lệ mắc càng thấp.
- Những phụ nữ mang gene BRCA1, BRCA2 có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Đây là hai gen được phát hiện có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở phụ nữ, từ đó có nguy cơ gây ung thư buồng trứng.
Ung thư buồng trứng nguy hiểm như thế nào?
Mặc dù tỷ lệ mắc không cao nhưng căn bệnh này lại vô cùng nguy hiểm. Theo các chuyên gia y tế, bệnh ung thư buồng trứng chỉ chiếm có 3% trong tổng số các bệnh ung thư phổ biến nhưng nó đứng hàng thứ 5 về tỷ lệ tử vong do ung thư ở phụ nữ.
Ước tính hàng năm trên toàn thế giới có khoảng 240.000 phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng trong đó có khoảng 150.000 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, mỗi năm nước ta có khoảng 1.200 trường hợp phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh này. Cụ thể trong năm 2020, nước ta có 1404 ca mắc mới với 923 ca tử vong.
Tính nguy hiểm của bệnh ung thư vú còn thể hiện ở việc chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây bệnh cũng như chưa có phương pháp phòng ngừa cụ thể cho ung thư buồng trứng.
Các giai đoạn ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng được chia làm 4 giai đoạn, cụ thể như sau:
Giai đoạn 1: Khối u chỉ ở buồng trứng
Ở giai đoạn này, khối u mới chỉ ở trong buồng trứng hoặc ống dẫn trứng chưa lây lan sang các cơ quan khác.
- Giai đoạn 1A: các tế bào ung thư bắt đầu hình thành và phát triển trong một buồng trứng hoặc ống dẫn trứng. Thời điểm này các tế bào ung thư ác tính chưa xuất hiện.
- Giai đoạn 1B: Khối u đã lan ra cả hai buồng trứng hoặc ống dẫn trứng nhưng không lan xa hơn.
- Giai đoạn 1C: khối u vẫn ở bên trong buồng trứng hoặc trong ống dẫn trứng nhưng đã phá vỡ bề mặt của buồng trứng chuẩn bị lan ra bên ngoài.
Giai đoạn 2: Khối u lan tràn vùng chậu
Giai đoạn này khối u đã bước đầu lan ra các cơ quan trong vùng chậu.
- Giai đoạn 2A: có thể lan tới tử cung hoặc tới vòi trứng.
- Giai đoạn 2B: đã phát triển sang các cơ quan lân cận như đại tràng, bàng quang hay trực tràng.
Giai đoạn 3: Khối u lan tràn khắp bụng
Giai đoạn này, khối u đã có sự lan sang các cơ quan khác trong ổ bụng như niêm mạc bụng, hệ thống các hạch bạch huyết trong ổ bụng,…
- Giai đoạn 3A: khối u có thể đã xuất hiện ở cả hai buồng trứng nhưng hiện không thể nhìn thấy các tế bào ung thư ở bụng bằng mắt thường.
- Giai đoạn 3B: các khối u phát triển và có thể nhìn thấy bằng mắt thường (kích thước <2cm) khi phẫu thuật. Chúng cũng có thể đã lây lan sang các hạch bạch huyết nhưng chưa có ở các cơ quan xa như gan, lá lách,…
- Giai đoạn 3C: khối u (>2cm) lan rộng từ xương chậu đến bụng. Nó có thể đã lan đến bề mặt các cơ quan xa như gan, lá lách.
Giai đoạn 4: Ung thư buồng trứng di căn đến các cơ quan khác
Giai đoạn này, khối u đã di căn tới các cơ quan ngoài của ổ bụng như gan thậm chí đã xuất hiện các tế bào ung thư trong dịch màng phổi.
- Giai đoạn 4A: các tế bào ung thư xuất hiện trong dịch màng phổi.
- Giai đoạn 4B: các tế bào ung thư di chuyển xa hơn trong lá lách, gan, phổi, não,….
Cách phát hiện ung thư buồng trứng
Khi nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh, các bác sĩ sẽ lần lượt thực hiện chẩn đoán theo các bước như sau:
Khám lâm sàng vùng bụng
Bác sẽ sẽ tiến hành hỏi các thông tin cụ thể về người bệnh cũng như tiền sử bệnh của gia đình để đánh giá nguy cơ mắc bệnh. Tiến hành khám vùng bụng bằng tay, bác sĩ có thể phát hiện được khối u hoặc dịch trong bụng nếu như khối u lớn và dịch nhiều.
Khám vùng chậu
Bác sĩ tiến hành khám bằng cả hai tay, với một tay trong âm đạo và một tay ở bụng cho phép phát hiện những u buồng trứng có kích thước nhỏ. Quá trình này còn giúp đánh giá tử cung, bọng đái xem u buồng trứng có gây ảnh hưởng đến những bộ phận này hay không.
Đo nồng độ CA125 trong máu
CA 125 là một protein, nó được gọi là chất chỉ điểm ung thư. Giá trị CA125 thường tăng trong máu của người bị ung thư buồng trứng.
Siêu âm
Nhiều người thắc mắc liệu “siêu âm có phát hiện ung thư buồng trứng không?” Câu trả lời là có. Máy siêu âm có một đầu dò, phát ra âm thanh có tần số cao, âm thanh này sẽ va chạm vào khối u rồi dội lại, đầu dò sẽ đón nhận âm thanh dội lại và phân tích âm thanh từ đó chuyển đổi âm thanh này sang hình ảnh. Vì mức dội âm ở các khối u, dịch, các cơ quan trong cơ thể khác nhau nên siêu âm có thể phát hiện được khối u.
Chụp CT scan
Máy CT (cắt lớp vi tính) phát ra tia X chiếu xuyên qua cơ thể dưới nhiều góc cạnh khác nhau rồi chuyển thành hình ảnh cắt lớp cơ thể. Bệnh nhân trước khi chụp CT sẽ được tiêm thuốc cản quang để hình ảnh mạch máu hiện rõ trên hình chụp. Các khối u ung thư có nhiều mạch máu nuôi cho nên sẽ hiện lên rõ ràng khi được chụp CT.
Chụp MRI
Giống như CT scan, MRI (chụp cộng hưởng từ) cũng chẩn đoán ung thư thông qua hình ảnh cắt lớp cơ thể. Phương pháp này sẽ tiêm chất cản tia bơm vào mạch máu nhằm làm rõ khối u. Tuy nhiên, MRI sử dụng từ trường chứ không dùng tia X nên không gây hại cho bệnh nhân.
Các bước như khám lâm sàng, thử máu để xác định nồng độ CA125, siêu âm, chụp CT – MRI giúp bác sĩ chẩn đoán ung thư buồng trứng chứ không thể xác định chắc chắn. Muốn xác định chắc chắn bạn có bị hay không thì phải sinh thiết khối u.
Phác đồ điều trị ung thư buồng trứng
Phác đồ điều trị theo Bộ Y tế chủ yếu gồm:
Phẫu thuật
Phẫu thuật ung thư buồng trứng sẽ tiến hành cắt bỏ toàn bộ tử cung, hai buồng trứng. Mạc nối lớn ở vùng bụng trên cũng sẽ được cắt bỏ để ngăn ngừa tái phát.
Đối với những trường hợp nặng, u lan khắp ổ bụng với nhiều u nhỏ, thì phải loại bỏ càng nhiều càng tốt.
Hóa trị
Các tế bào ung thư sinh sản nhanh theo phương pháp nguyên phân phân đôi tế bào). Các thuốc hoá trị có tác dụng ngăn cản tế bào phân đôi, từ đó đẩy lui sự phát triển của các tế bào ung thư.
Hầu hết các trường hợp phẫu thuật ung thư buồng trứng tuy đã lấy hết u vẫn cần phải hóa trị để ngăn ngừa tái phát.
Những trường hợp u không thể phẫu thuật ngay, sẽ tiến hành hóa trị vài đợt trước khi phẫu thuật, mỗi đợt thường cách nhau 3 – 4 tuần nhằm làm khối u nhỏ lại giúp phẫu thuật dễ dàng hơn.
Điều trị duy trì ung thư buồng trứng
Điều trị duy trì là hoá trị hoặc liệu pháp đích sau điều trị ban đầu nhằm giảm nguy cơ ung thư tái phát hoặc giữ cho bệnh ung thư buồng trứng được kiểm soát càng lâu càng tốt.
Việc lựa chọn điều trị duy trì phụ thuộc vào:
- Có đột biến BRCA hoặc HRD (homologous recombination repair deficiency – thiếu tái tổ hợp tương đồng) dương tính hay không
- Đã điều trị hoá trị có bevacizumab (Avastin)
Hỏi đáp
Ung thư buồng trứng có chết không?
Đây là căn bệnh rất nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao trong nhóm ung thư phụ khoa. Bệnh có các triệu không rõ ràng nên người bệnh chủ quan, thường không chủ động tiến hành kiểm tra, phát hiện sớm từ đó gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Bệnh ung thư buồng trứng có chữa khỏi không?
Mặc dù là căn bệnh nguy hiểm nhưng bệnh này hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Do đó, bạn nên chủ động trong việc tầm soát ung thư để có những kế hoạch chăm sóc sức khỏe bản thân phù hợp.
Bệnh ung thư buồng trứng cho di truyền không?
Ung thư buồng trứng có thể di truyền trong gia đình. Nguy cơ mắc của một người tăng cao nếu mẹ, chị gái hoặc con gái mắc bệnh này. Nguy có này thậm chí còn cao hơn nếu có càng nhiều người thân trong gia đình mắc ung thư buồng trứng.
Nếu gia đình có người thân mắc một số loại ung thư như đại trực tràng hoặc vú thì cũng làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng của bạn, đây là những ung thư do đột biến gen di truyền gây ra. Đột biến ở gen BRCA1 và BRCA2 cũng là một trong những đột biến gen quan trọng trong ung thư buồng trứng, làm tăng nguy cơ mắc ung thư lên đến 70% so với dân số trung bình.
Trên đây là những thông tin tổng hợp về bệnh ung thư buồng trứng. Mặc dù tỷ lệ mắc không cao nhưng tỷ lệ tử vong lại thuộc hàng “TOP”, do đó bạn hãy chủ động trong việc tầm soát ung thư và nếu bạn có quan tâm đến xét nghiệm BRCA/HRD trong quá trình điều trị ung thư buồng trứng liên hệ ngay tới CHEK Genomics thông qua hotline 091 176 3082 để được tư vấn chi tiết về các dịch vụ nhé.