Bệnh Siro niệu: Triệu chứng, Nguyên nhân, Điều trị, Cách phòng ngừa

Những người mắc bệnh siro niệu (MSUD) không thể phân hủy ba axit amin cụ thể có trong thực phẩm chứa protein. Các axit amin này tích tụ trong cơ thể, lâu dần trở thành chất độc và gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho cơ thể. Nếu không được chữa trị kịp thời, MSUD có thể biến chứng gây ra một loạt các khuyết tật về trí tuệ, thể chất và thậm chí gây tử vong.

bệnh siro niệu

Bệnh siro niệu là gì? Tỷ lệ mắc Siro niệu?

Định nghĩa bệnh siro niệu

siro niệu - MSUD

Bệnh siro niệu (Maple syrup urine disease – MSUD), hay còn gọi là thiếu hụt BCKD, thiếu axit dehydrogenase alpha-keto chuỗi nhánh, là một tình trạng di truyền hiếm gặp nhưng nghiêm trọng.

Thông thường, cơ thể chúng ta phân hủy các loại thực phẩm có chứa protein như thịt và cá thành các axit amin. Bất kỳ axit amin nào không cần thiết thường được chia nhỏ và loại bỏ khỏi cơ thể. Trẻ bị bệnh di truyền này không có khả năng phân hủy các axit amin gọi là leucine, isoleucine và valine. Hàm lượng cao của các axit amin này sẽ gây hại cho cơ thể.  

Phân loại:

Bệnh thiếu hụt BCKD được phân loại theo dấu hiệu và triệu chứng của nó. Có bốn loại bệnh siro niệu chính là:

  • Cổ điển: Dạng bệnh nghiêm trọng và phổ biến nhất là dạng cổ điển. Các triệu chứng của loại bệnh này thường phát triển trong vòng ba ngày đầu sau sinh.
  • Trung gian: Dạng bệnh này ít nghiêm trọng hơn dạng bệnh cổ điển. Các triệu chứng thường xuất hiện ở trẻ em trong độ tuổi từ 5 tháng đến 7 tuổi.
  • Không liên tục: Trẻ bị MSUD không liên tục phát triển như bình thường cho đến khi bị nhiễm trùng hoặc gặp giai đoạn căng thẳng gây ra việc xuất hiện các triệu chứng. Những người bị dạng bệnh không liên tục thường có thể chịu đựng được mức độ ba axit amin cao hơn so với những người bị MSUD cổ điển.
  • Đáp ứng với thiamine: Loại bệnh này thích hợp với việc điều trị bằng cách sử dụng liều cao vitamin B1 (thiamine) cùng với một chế độ ăn uống kiêng khem nghiêm ngặt. Khi được điều trị, những người có loại bệnh đáp ứng với thiamine có khả năng chịu được việc dung nạp ba axit amin cao hơn ba loại bệnh trên.

Tỷ lệ mắc bệnh siro niệu

Đây là một bệnh di truyền rất hiếm. Tỉ lệ mắc bệnh chỉ chiếm tỉ lệ 1/185.000 ca sinh trên toàn thế giới. Nó xuất hiện thường xuyên hơn trong gia đình có sự kết hôn cận huyết hoặc ở các quần thể có vốn gen nhỏ có con với nhau. Khoảng 2.000 người ở Hoa Kỳ đang sống chung với bệnh này. Tỷ lệ mắc là như nhau ở cả hai giới.

Dù ai cũng có thể mắc bệnh siro niệu và tỉ lệ ngang nhau ở nam và nữ nhưng những người có cha mẹ có quan hệ họ hàng gần thì có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn. Vì lý do này, tỉ lệ mắc bệnh của Mennonites[1] ở Hoa Kỳ, nơi các thành viên của cộng đồng thường kết hôn với nhau, là rất cao. Tỉ lệ mắc bệnh ở đây đến 1 trong số 380 ca sinh trong dân số Mennonite.

Triệu chứng

Biến chứng bệnh

Nếu không điều trị bệnh, các triệu chứng nghiêm trọng và  đe dọa tính mạng có thể phát triển, bao gồm co giật hoặc hôn mê. Những người bị MSUD không được điều trị hoặc được điều trị đúng có thể phát triển nhiều biến chứng khác nhau, từ nhẹ đến nặng. Các biến chứng của bệnh siro niệu bao gồm:

  • Tổn thương não, gặp các vấn đề về thần kinh và chậm phát triển.
  • Tăng nguy cơ rối loạn giảm sự chú ý (ADHD), rối loạn lo âu và trầm cảm .
  • Mất xương, dễ dẫn đến loãng xương khiến xương dễ gãy.
  • Sưng tụy/viêm tụy , đặc biệt là trong các trạng thái “khủng hoảng chuyển hóa”.
  • Đau đầu mãn tính do tăng huyết áp.
  • Rối loạn vận động như run và co cơ không kiểm soát.
  • Hôn mê và thậm chí phát sinh tử vong do các triệu chứng thời kì khủng hoảng như nhiễm trùng, áp lực hoặc kiểm soát chế độ ăn uống kém.

Triệu chứng của bệnh

Các triệu chứng của dạng bệnh cổ điển xuất hiện ở trẻ sơ sinh trong vòng 48 giờ sau khi sinh. Ở trẻ lớn hơn, các dấu hiệu của dạng bệnh trung gian, ngắt quãng và đáp ứng với thiamine thường xuất hiện khi trước thời gian trẻ bảy tuổi. 

Tất cả bốn loại bệnh siro niệu đều có thể có vài triệu chứng bao gồm:

  • Nước tiểu, mồ hôi hoặc ráy tai có mùi ngọt, đôi khi như đường cháy.
  • Bú kém, nôn mửa, chán ăn, cáu gắt.
  • Uể oải / chậm chạp / mệt mỏi và suy nhược.
  • Trương lực cơ kém, căng cơ
  • Cử động cơ bất thường, co thắt khiến đầu, cổ và cột sống hay ngửa ra sau.
  • Chậm phát triển.
  • Động kinh, co giật, suy hô hấp và hôn mê (khi tình trạng bệnh tiến triển).

Trẻ sơ sinh bị bệnh này cũng có thể có các cơn được gọi là “khủng hoảng chuyển hóa”, đôi khi xảy ra rất sớm trong đời. Các triệu chứng của khủng hoảng trao đổi chất bao gồm:

  • thiếu năng lượng
  • nôn mửa
  • cáu gắt
  • khó thở

Điều quan trọng là phải tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức nếu con bạn xuất hiện các triệu chứng của khủng hoảng trao đổi chất. Bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên để giúp bạn nhận biết các dấu hiệu và chăm sóc trẻ tốt hơn.

Nguyên nhân gây bệnh Siro niệu

nguyên nhân gây bệnh siro niệu

Axit amin giúp trẻ tăng trưởng và phát triển. Cơ thể sử dụng chúng để tạo ra các protein. Protein lại cần thiết cho cơ thể để hoạt động bình thường. Protein được tạo thành từ 20 loại axit amin khác nhau. Protein phải được phân hủy (chuyển hóa) để chúng có thể được cơ thể hấp thụ và sử dụng. 

Người mắc bệnh siro niệu thì không có hoặc không có đủ các enzym cần thiết để chuyển hóa bộ ba axit amin – leucine, isoleucine và valine – cho cơ thể hấp thụ. Các đột biến ở bất kỳ gen nào trong số ba gen này làm giảm hoặc loại bỏ chức năng của protein, ngăn cản sự phân hủy bình thường của leucine, isoleucine và valine. Kết quả là, các axit amin này và các sản phẩm phụ của chúng bị tích tụ trong cơ thể. 

Bởi vì hàm lượng cao của những chất này gây độc cho não và các cơ quan khác, sự tích tụ của chúng dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng liên quan trí não, thể chất hoặc thậm chí dẫn đến tử vong..

Khi mắc bệnh siro niệu, một đứa trẻ có thể  thừa hưởng hai gen thiếu hụt BCKD đột biến, một gen từ cha và một từ mẹ. Cha mẹ có thể mang mầm bệnh dù không có bất kỳ triệu chứng nào nhưng vẫn có thể mang gen lặn và di truyền cho con cái của họ.

Phòng ngừa

Không có cách nào để phòng ngừa bệnh siro niệu do đây là bệnh di truyền bẩm sinh. Cha mẹ có thể không phải là người mắc bệnh MSUD và không có biểu hiện hay tính trạng liên quan đến bệnh này nhưng con cái sinh ra lại có khả năng mắc bệnh do họ là người mang gen bệnh di truyền dị hợp tử, tức người bình thường đang mang mầm bệnh. 

Nếu bạn có anh, chị em ruột hoặc những người thân khác bị mắc bệnh này, bạn nên nói chuyện với bác sĩ trước khi mang thai để thảo luận về khả năng truyền bệnh cho con bạn. Việc sàng lọc gen lặn trước khi sinh cũng quan trọng không kém, điều này sẽ giúp kiểm tra cha mẹ để xem liệu họ có phải là người mang gen lặn gây ra bệnh này hay không.

Nếu trẻ có các triệu chứng của bệnh, tuyệt đối không nên cố gắng chăm sóc trẻ tại nhà mà nên chăm sóc trẻ tại các cơ sở y tế uy tín hoặc bệnh viện.

Điều trị

Chế độ ăn

Trước tiên, trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh siro niệu sẽ được các bác sĩ chuyên khoa nhi áp dụng chế độ ăn ít protein. Chế độ ăn uống được điều chỉnh để giảm lượng axit amin nhận được, đặc biệt là 3 loại axit amin: leucine, valine và isoleucine.

Thực phẩm giàu protein cần được hạn chế bao gồm thịt, cá, phô mai, trứng,… Bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên và hướng dẫn chi tiết nhất vì trẻ em vẫn cần một số loại thực phẩm này để tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh.

Sữa mẹ và sữa công thức cũng cần được theo dõi và đo lường trước khi cho bé bú theo lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ. 

Những người bị bệnh MSUD cần tuân theo chế độ ăn ít protein nghiêm ngặt trong suốt phần đời còn lại của họ để giảm nguy cơ bị biến chứng từ giai đoạn khủng hoảng. Gia đình cần liên hệ thường xuyên với chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn và theo dõi. Điều này giúp đảm bảo ba axit amin không vượt quá mức chịu đựng và bắt đầu gây hại.

Điều trị khi bệnh siro niệu phát triển

Khi bệnh nhân MSUD bị ốm, sốt, không tiêu thụ được thức ăn do nôn mửa, tiêu chảy hoặc khi axit amin tăng lên mức nguy hại thì phải nhập viện ngay. Trong bệnh viện, bác sĩ có thể:

  • Cung cấp glucose và insulin qua tĩnh mạch để điều chỉnh mức độ axit amin trong cơ thể.
  • Sử dụng ống truyền tĩnh mạch hoặc ống thông dạ dày qua mũi để cung cấp các chất dinh dưỡng cụ thể, bao gồm các loại axit amin mà người đó có thể dung nạp.
  • Lọc huyết tương của người đó và đưa nó trở lại cơ thể của họ (một thủ tục gọi là lọc máu kết hợp với thẩm tách máu liên tục) để giảm mức độ của ba axit amin.
  • Theo dõi bệnh nhân về các dấu hiệu sưng não, nhiễm trùng và tích tụ axit.

Ghép gan: phương pháp điều trị vĩnh viễn cho bệnh nhân

Kể từ năm 2004, cấy ghép gan đã rất thành công trong việc điều trị những người mắc bệnh siro niệu dạng cổ điển. Với một lá gan mới, những người bị bệnh có thể sản xuất các enzym cần thiết để phá vỡ ba axit amin tích tụ trong cơ thể. Sau khi cấy ghép gan được hiến tặng, những người bị MSUD có thể ăn một chế độ ăn uống không cần kiêng khem, hạn chế và không còn nguy cơ bị khủng hoảng chuyển hóa. Tuy nhiên những người bị bệnh vẫn mang gen của chứng rối loạn di truyền này và do đó vẫn có thể truyền nó cho con cái của họ. 

Tuy nhiên, ghép gan là một cuộc phẫu lớn với nhiều rủi ro từ tỷ lệ tử vong do mất máu, nhiễm trùng và người ghép phải dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch (thuốc chống thải ghép) trong suốt phần đời còn lại của bạn để phòng ngừa sự đào thải ghép gan và kéo dài sự sống của mô. 

Điều quan trọng nhất là phải cân nhắc tất cả những ưu và khuyết điểm trước khi quyết định ghép gan. Bác sĩ cần thảo luận với người nhà xem đây có phải là một lựa chọn phù hợp hay không trước khi quyết định ghép gan.

Kết luận

Việc sàng lọc sơ sinh ngay khi trẻ vừa được sinh ra rất quan trọng. Điều này giúp gia đình không chỉ xác định được những loại bệnh bẩm sinh mà trẻ mắc phải mà còn giúp gia đình chuẩn bị những điều cần thiết nhất cho quá trình trưởng thành của bé.

CHEK Genomics hi vọng với những thông tin về Bệnh Siro niệu được chia sẻ ở trên, quý bạn đọc đã hiểu rõ thông tin cơ bản về đặc điểm, nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng tránh bệnh này cho thế hệ sau. Nếu cần tư vấn cụ thể, liên hệ ngay với CHEK để được giải đáp tường tận.

hotline 091 176 3082 checkco.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *