Ung thư bàng quang là loại bệnh lý ác tính và khá phổ biến. Đây được xem là căn bệnh ung thư thường gặp đứng thứ hai trong các loại ung thư tiết niệu, chỉ sau ung thư tuyến tiền liệt. Theo nghiên cứu, mỗi năm ở nước ta có khoảng 2000 ca mắc mới với tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao hơn nữ giới.
Do đó, ung thư bàng quang trở thành mối đe dọa lớn đến sức khỏe người bệnh và trở thành nỗi lo sợ của rất nhiều người. Để biết thêm thông tin về bệnh ung thư này, hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây!
Ung thư bàng quang là gì?
Ung thư bàng quang là loại ung thư xảy ra tại bàng quan – cơ quan rỗng nằm ở bụng dưới với vai trò chứa nước tiểu. Đây là một khối u ác tính được khởi phát từ bàng quang và thường thấy nhất là ở các tế bào lót mặt trong của bàng quang.
Kích thước khối u của mỗi người là khác nhau. Khối u của bàng quang có thể tiến triển vào sâu lớp cơ bàng quang và di căn đến các bộ phận khác trên cơ thể.
Triệu chứng thường gặp của bệnh ung thư bàng quang
Đây là căn bệnh rất khó nhận biết bởi những triệu chứng của bệnh rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường. Tuy nhiên, nếu như có những biểu hiện dưới đây thì người bệnh không nên chủ quan mà hãy đến bác sĩ chuyên khoa để thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời, các biểu hiện cụ thể như sau:
- Có dấu hiệu tiểu ra máu, có thể từng đợt, đãi thể suốt bãi
- Gặp tình trạng tiểu rắt, tiểu buốt, khó tiểu, tiểu đau hoặc tiểu không tự chủ
- Nước tiểu xuất hiện màu lạ, thường gặp là tình trạng nước tiểu sẫm màu
- Đi kèm với đó là tình trạng thường xuyên mệt mỏi, chán ăn và sụt cân
- Người bệnh có các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu, điển hình như tắc nghẽn đường tiểu do u xâm lấn hoặc do cục máu đông.

Ở giai đoạn muộn, khi các tế bào ung thư di căn đến các cơ quan khác trên cơ thể, người bệnh sẽ có những triệu chứng thường gặp sau đây:
- Đau bên hông lưng
- Đau vùng xương mu
- Đau hạ vị
- Đau xương
- Đau đầu
Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh ung thư bàng quang?
Trên thực tế vẫn chưa tìm ra nguyên nhân trực tiếp gây ra ung thư bàng quang. Tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu về bệnh, các chuyên gia đã chỉ ra nhiều yếu tố nguy cơ khiến cho ung thư phát triển, cụ thể như sau:
Thuốc lá
Theo nghiên cứu, thuốc lá là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra ung thư cho cơ thể, trong đó có ung thư bàng quang. Những người hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc có nguy cơ mắc cao gấp 3 lần người bình thường.
Tiếp xúc với hóa chất
Những người thường xuyên tiếp xúc với một số hóa chất trong công nghiệp như benzidine[1] và beta naphthylamine có khả năng mắc ung thư bàng quang cao hơn so với những người bình thường.
Do sử dụng thuốc với liều cao
Theo nghiên cứu, việc sử dụng các thuốc có liều cao điển hình như pioglitazone – thuốc sử dụng cho bệnh tiểu đường hay các thuốc có chứa axit Aristolochic có thể tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang khá cao.
Sử dụng nước uống nhiễm hóa chất
Chất asen trong nước uống có thể tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư bàng quang. Nhất là những người sử dụng nước giếng hoặc nước từ các hệ thống khác chưa đảm bảo tiêu chuẩn về hàm lượng asen thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao.
Không uống đủ nước
Không uống đủ nước cũng tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư bàng quang. Nguyên nhân là do bàng quang có chức năng đào thải các chất độc trong cơ thể ra bên ngoài thông qua nước tiểu cho nên không uống đủ nước thì lượng chất độc sẽ tích tụ trong cơ thể, không được đào thải ra ngoài, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Yếu tố khác
Ngoài ra, còn có các yếu tố nguy cơ khác dẫn đến ung thư bàng quan, điển hình như giới tính, khu vực sinh sống, tuổi tác,…
Phương pháp chẩn đoán và điều trị ung thư bàng quang
Phương pháp chẩn đoán
Khi bệnh nhân có những triệu chứng liên quan đến ung thư bàng quang, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và chẩn đoán để xác định được bệnh, giai đoạn mắc bệnh cũng như có thể vạch ra được phương pháp điều trị phù hợp. Một số phương pháp chẩn đoán gồm:
Thăm khám lâm sàng
Phương pháp này giúp bác sĩ phát hiện được những dấu hiệu bất thường của người bệnh ở bụng, khung chậu hay âm đạo và trực tràng. Từ những dấu hiệu bất thường có nguy cơ mắc bệnh mà bác sĩ tiến hành các bước chẩn đoán tiếp theo.
Siêu âm
Thông qua siêu âm bụng hoặc siêu âm nội soi có thể giúp bác sĩ phát hiện được khối u trong bàng quang. Tuy có thể xác định được khối của mô mềm nhưng phương pháp siêu âm không thể chẩn đoán và đánh giá giai đoạn mắc ung thư bàng quang cũng như xác định được chiều xâm lấn, di căn của các tế bào ung thư ra bên ngoài. Phương pháp siêu âm chỉ có thể sử dụng để đánh giá bệnh ở đường tiết niệu trên, nhu mô thận và ứ nước thận.
Chụp CT hoặc MRI
Chụp CT tại ổ bụng và khung chậu giúp đánh giá được mức độ lan rộng và di căn của khối u sang các cơ quan khác trên cơ thể.
Chụp UIV
Chụp UIV giúp bác sĩ đánh giá được chức năng của thận khi có bất cứ nghi ngờ về tổn thương thương thận do khối u xâm lấn, chèn ép niệu quản hoặc tổn thương thận do viêm đường tiết niệu mạn tính.
Chụp xạ hình xương
Chụp xạ hình xương giúp bác sĩ phát hiện được chính xác những tổn thương trên hệ thống xương khi có khối u xâm lấn hoặc tiến triển gây tình trạng đau xương hoặc hàm lượng alkaline phosphatase tăng ở bệnh nhân. Ngoài ra, chụp xạ hình xương còn giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị ung thư bàng quang hiệu quả.
Chụp PET-CT
Chụp PET – CT có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện và đánh giá mức độ phát triển của ung thư bàng quang. Đồng thời, chụp PET – CT còn được sử dụng sau khi điều trị ung thư nếu bệnh nhân có bất kỳ dấu hiệu hay nghi ngờ tái phát bệnh.
Xét nghiệm nước tiểu
Phân tích nước tiểu thông qua kính hiển vi giúp bác sĩ quan sát được các tế bào ung thư có trong nước tiểu.
Sinh thiết
Đây là thủ thuật được sử dụng để chẩn đoán ung thư bàng quang và cũng được sử dụng để điều trị bệnh này. Trong quá trình nội soi bàng quang, bác sĩ sẽ sinh thiết một mẫu mô để mang đi xét nghiệm, quá trình này được gọi là sinh thiết chẩn đoán ung thư bàng quang.
Chẩn đoán hình ảnh
Đây là phương pháp chẩn đoán giúp bác sĩ kiểm tra cấu trúc của đường tiết niệu thông qua chất cản quang tiêm tĩnh mạch UIV để có thể dễ dàng quan sát thận, niệu quản và bàng quan. Chụp CT scan giúp bác sĩ quan sát được mô và đường tiết niệu một cách chuẩn sát, hỗ trợ tối ưu cho quá trình chẩn đoán bệnh.
Phương pháp điều trị ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang nếu được phát hiện và điều trị kịp thời thì có khả năng bệnh nhân sẽ được chữa khỏi. Ngày nay, khi xã hội càng hiện đại thì các phương pháp điều trị ung thư ngày càng tân tiến.
Tùy vào tình hình hiện tại của bệnh mà bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm ung thư giai đoạn muộn để đánh giá tình trạng ung thư hiện tại và đưa ra liệu pháp điều trị phù hợp tại thời điểm đó.
Dưới đây là một số cách điều trị phổ biến và mang lại hiệu quả cao:
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả bệnh ung thư bàng quang. Dựa vào giai đoạn ung thư của bệnh mà người ta đưa ra các phương pháp phẫu thuật khác nhau nhằm mang đến hiệu quả tốt nhất cho người bệnh.
Nếu người bệnh được phát hiện ung thư bàng quang giai đoạn đầu – khi các tế bào ung thư còn rất nhỏ và chưa xâm lấn ra thành bàng quang thì bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cắt bỏ khối u. Người bệnh sẽ được cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo bằng cách vòng một dây nhỏ đưa trực tiếp vào bàng quang thông qua niệu đạo.
Tế bào ung thư sẽ được đốt bằng vòng dây chứa dòng điện đó hoặc sử dụng laser năng lượng cao. Cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo sẽ gây tình trạng tiểu đau, tiểu rát cho bệnh nhân khoảng một vài ngày sau khi phẫu thuật.
Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể phẫu thuật cắt bỏ khối u và một phần nhỏ của bàng quang ngay tại giai đoạn đầu của bệnh. Bác sĩ sẽ cắt bỏ đi bán bàng quang, loại bỏ hoàn toàn phần bàng quan chứa tế bào ung thư. Phương pháp này chỉ được thực hiện khi tế bào ung thư chỉ giới hạn tại một diện tích nhỏ trong bàng quang.
Phương pháp này được thực hiện dễ dàng mà không gây hại đến chức năng của bàng quang. Nhược điểm của phẫu thuật là có nguy cơ gây chảy máu và nhiễm trùng. Đồng thời, bệnh nhân gặp trạng đi tiểu thường xuyên khi bị cắt đi bán bàng quang. Tuy nhiên, di chứng này có thể được cải thiện theo thời gian, một vài trường hợp có thể kéo dài đến suốt đời.
Khi tế bào ung thư đã xâm lấn và di căn sâu hơn đến thành bàng quan, tùy vào từng trường hợp mà người bệnh có thể được xem xét loại bỏ toàn bộ thành bàng quang. Người bệnh sẽ được cắt bỏ đi toàn bộ bàng quang cùng với các hạch bạch huyết nằm xung quanh. Đối với nam giới, khi cắt bỏ toàn bộ bàng quang thì phải cắt bỏ luôn tuyến tiền liệt và túi tinh.
Ở nữ giới, cắt bỏ toàn bộ bàng quang thì phải cắt luôn tử cung, buồng trứng và một phần của âm đạo. Nhược điểm của phương pháp này là có thể gây nguy cơ nhiễm trùng và chảy máu. Bên cạnh đó còn gây tình trạng vô sinh ở cả nam và nữ giới.
Sau khi cắt bỏ đi hoàn toàn bàng quang, bác sĩ sẽ tạo ra một ống dẫn nước tiểu mới từ một đoạn ruột. Ống dẫn nước tiểu này sẽ chạy từ thận và mở ra bên ngoài cơ thể chảy vào một túi mang bên bụng. Ngoài ra, có thể sử dụng một phần ruột để tạo túi nước tiểu nhỏ bên trong cơ thể. Trong một vài trường hợp, túi nước tiểu có thể tạo từ một đoạn ruột non được nối vào niệu đạo giúp bệnh nhân có thể tiểu tiện như bình thường và bệnh nhân cần sử dụng một ống thông để rút nước tiểu từ bàng quang mới.
Trị liệu sinh học
Trị liệu sinh học phương pháp điều trị ung thư bàng quang bằng cách cảnh báo hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại các tế bào ung thư. Trị liệu sinh học ung thư bàng quan được xử lý trực tiếp thông qua niệu đạo. Các phương pháp trị liệu sinh học ung thư bàng quang bao gồm:
- Dùng vi khuẩn BCG để kích thích miễn dịch: Đây là loại vi khuẩn thường được sử dụng trong vacxin phòng bệnh lao. Vi khuẩn này có thể gây kích thích bàng quang và máu trong nước tiểu người bệnh. Sau khi điều trị với BCG, nhiều bệnh nhân có các triệu chứng giống như cảm cúm.
- Tổng hợp Interferon: Đây là một phiên bản tổng hợp của một protein thuộc hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng, được sử dụng để điều trị ung thư bàng quang. Interferon alfa đôi khi còn được kết hợp với BCG để điều trị ung thư bàng quan và có thể gây ra các triệu chứng giống như cảm cúng.
- Liệu pháp sinh học: Là phương pháp dùng để cắt bỏ khối u bàng quang thông qua nội soi để giảm nguy cơ tái phát ung thư bàng quang.
Hóa trị
Hóa trị là phương pháp điều trị ung thư bàng quang bằng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa trị thường sử dụng kết hợp từ hai hay nhiều thuốc, có thể tiêm vào tĩnh mạch ở tay hoặc bơm trực tiếp vào bàng quang người bệnh thông qua niệu đạo.
Hóa trị còn được sử dụng để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau khi phẫu thuật. Ngoài ra, hóa trị còn có thể sử dụng trước khi phẫu thuật nhằm thu nhỏ khối u để thực hiện phẫu thuật ít xâm lấn. Bên cạnh đó, người ta còn sử dụng hóa trị kết hợp với xạ trị để tăng hiệu quả điều trị ung thư bàng quang.
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp phổ biến để điều trị ung thư bàng quang bằng cách sử dụng chùm tia năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư thông qua tia bức xạ bên ngoài hoặc sử dụng thiết bị xạ trị đặt bên trong bàng quang của bệnh nhân.
Trị liệu bức xạ còn được sử dụng trước phẫu thuật nhằm thu nhỏ khối u, giúp quá trình cắt bỏ khối u diễn ra dễ dàng hơn. Ngoài ra, xạ trị còn được sử dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.
Ung thư bàng quang có nguy hiểm không?
Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính phổ biến trong ung thư tiết niệu, chỉ đứng sau ung thư tuyến tiền liệt và cũng được xếp vào vị trí thứ 9 trong các loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh thường gặp ở người già với độ tuổi từ 69 đối với nam giới và 71 đối với nữ giới. Đặc biệt, đây là căn bệnh khá phổ biến và thường gặp ở nam giới, tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao gấp 3 lần nữ giới.
Theo thống kê, ung thư bàng quang chiếm 3% trong các loại ung thư và bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến là từ 50 – 60 tuổi. Ung thư này là rất nguy hiểm, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, đe dọa lớn đến tính mạng của người bệnh, thậm chí có thể gây tử vong.
Chính vì vậy, nếu có bất cứ dấu hiệu nghi ngờ về bệnh, hãy đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để tình trạng đáng tiếc xảy ra.
Ung thư bàng quang nên ăn gì?
Thực tế cho thấy, sau khi điều trị ung thư bàng quang, phần lớn các bệnh nhân đều gặp tình trạng chán ăn, sụt cân nghiêm trọng. Chính vì vậy, thiết lập một chế độ ăn dinh dưỡng sau khi điều trị là điều vô cùng quan trọng đối với bệnh nhân. Vậy ung thư bàng quang nên ăn gì? Dưới đây là top những thực phẩm mà bệnh nhân cần bổ sung:
Bông cải xanh
Trong bông cải xanh giàu chất glucosinolate có công dụng ức chế sự phát triển của khối u bàng quang. Ngoài ra, trong bông cải xanh còn chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Vì vậy, những bệnh nhân ung thư bàng quang cần bổ sung thường xuyên bông cải xanh. Bên cạnh đó, bông cải xanh còn là thực phẩm tốt cho sức khỏe, giúp phòng ngừa và đẩy lùi các bệnh liên quan đến tiêu hóa, nội tiết,… Theo nghiên cứu cho thấy những người ăn bông cải xanh 2 lần/tuần có thể giảm đi 44% nguy cơ mắc ung thư.
Trà xanh
Trong trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa và các thành phần có lợi khác cho cơ thể giúp cải thiện tốt tình trạng bệnh của những người mắc ung thư bàng quang ở giai đoạn đầu. Hoạt tính của trà xanh giúp lợi tiểu, thanh lọc cơ thể. Chính vì vậy, người bệnh nên uống nước lá trà xanh mỗi ngày.
Tỏi
Tỏi là một trong những thực phẩm mà người mắc ung thư bàng quang nên ăn. Trong tỏi chứa hàm lượng allicin cao có tác dụng diệt vi khuẩn và ức chế sự xâm lấn của các vi khuẩn gây ung thư. Tỏi còn là thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp cho hệ miễn dịch được đẩy mạnh. Do vậy, những bệnh nhân mắc ung thư bàng quang không nên bỏ qua tỏi vào thực đơn ăn uống của mình.
Thực phẩm giàu vitamin E
Thực phẩm giàu vitamin E không những có công dụng trẻ hóa làn da, tốt cho sức khỏe mà còn giúp ngăn chặn và ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư. Do vậy, bệnh nhân mắc ung thư bàng quang nên bổ sung vitamin E thông qua các thực phẩm như bơ, măng tây, hạnh nhân, óc chó,… Theo nghiên cứu, những người bổ sung đủ lượng vitamin E cho cơ thể giúp giảm đến 42% mắc ung thư bàng quang.
Sữa chua
Trong sữa chua có chứa vi khuẩn lactobacillus giúp ngăn ngừa ung thư bàng quang vô cùng hiệu quả. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người thường xuyên sử dụng sữa chua sẽ có khả năng mắc ung thư thấp hơn 38% so với những người bình thường. Do vậy, những người mắc ung thư bàng quang và người bình thường đều nên ăn sữa chua để ngày càng cải thiện tình trạng sức khỏe của mình.
Bên cạnh đó, bệnh nhân nên ăn các thức ăn giàu dinh dưỡng để bổ sung cho cơ thể mà khôi phục lại tình trạng sức khỏe sau điều trị. Người bệnh nên ăn các thức ăn như gà hầm đậu đỏ, cháo thỏ ty tử, thận dê nấu đảng sâm,…
Đặc biệt, người bệnh không nên ăn các thức ăn nhanh, thức ăn chứa nhiều đường hay đồ uống có cồn để tránh tình trạng bệnh ngày một nặng hơn.
Ung thư bàng quang có chữa được không?
Ung thư bàng quan là loại ung thư ác tính, có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên nếu được phát hiện và điều trị kịp thời thì tỷ lệ chữa khỏi rất cao. Khả năng điều trị của bệnh còn tùy thuộc vào giai đoạn mắc bệnh, mức độ di căn của bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Ung thư bàng quang có nên mổ không?
Hiện nay, phương pháp điều trị tận gốc với bệnh nhân ung thư bàng quang là phẫu thuật trong trường hợp phát hiện bệnh sớm. Người bệnh sẽ được cắt bỏ đi khối u thông qua nội soi niệu đạo mà không cần phải mổ. Nếu khối u lớn và bắt đầu xâm lấn sang các cơ quan khác của cơ thể thì người bệnh phải phẫu thuật cắt bỏ đi hoàn toàn bàng quang.
Kết luận
Trên đây là những thông tin về bệnh ung thư bàng quang. Hy vọng những điều mà CHEK Genomics cung cấp mang đến cho bạn những thông tin bổ ích. Nếu có bất kỳ dấu hiệu hay nghi ngờ về bệnh, hãy đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời!
Nguồn:
- https://www.cancer.gov/types/bladder/patient/bladder-treatment-pdq
- https://www.bcan.org/bladder-cancer-newly-diagnosed/
- https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/bladder-cancer/types-stages-grades/types
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4647140/
- https://www.cancerresearchuk.org/what-is-cancer/how-cancer-starts/types-of-cancer