Bệnh Pompe – Căn bệnh di truyền nguy hiểm

Bệnh Pompe là một bệnh rối loạn di truyền hiếm gặp, bệnh gây yếu cơ ở trẻ và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Thông thường, trẻ sẽ tử vong trong những năm đầu đời mắc bệnh. Dưới đây là những thông tin về bệnh di truyền này.

bệnh pompe

Bệnh Pompe là gì?

Bệnh Pompe, còn được gọi là bệnh dự trữ glycogen loại II gây ra do thiếu hụt acid maltase trong tiểu thể, là một rối loạn di truyền hiếm gặp (ước tính cứ 40.000 ca sinh nở thì có 1 ca mắc bệnh) do sự tích tụ của một loại đường phức hợp gọi là glycogen trong các tế bào của cơ thể.

Bệnh là kết quả của việc thiếu hụt một loại enzym có tên là acid alpha glucosidase (GAA)[1], enzym có nhiệm vụ chính là phân hủy các loại đường phức tạp trong cơ thể. Sự tích tụ này xảy ra trong các cơ quan và mô, đặc biệt là trong cơ bắp. 

Theo thời gian sự tích tụ dẫn đến sự tồi tệ của tình trạng yếu cơ, gây suy giảm hoạt động bình thường của các cơ quan, mô và cơ bắp. Nó còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều hệ thống của cơ thể bao gồm gây tử vong, mất chức năng cơ tim và cơ xương.

Phân loại bệnh Pompe

Các nhà nghiên cứu đã phân loại ra ba loại bệnh khác nhau về mức độ nghiêm trọng trong việc khiếm khuyết enzym và độ tuổi xuất hiện. Những loại này được gọi là khởi phát trẻ sơ sinh cổ điển, khởi phát trẻ sơ sinh không cổ điển và khởi phát muộn: 

  • Khởi phát ở trẻ sơ sinh thể cổ điển xuất hiện trong vòng vài tháng sau khi sinh.
  • Khởi phát ở trẻ sơ sinh thể không cổ điển xuất hiện thường vào lúc trẻ khoảng 1 tuổi.
  • Khởi phát trễ xuất hiện muộn hơn trong cuộc đời của một đứa trẻ, thậm chí bệnh có thể xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên ở trong những năm thiếu niên hoặc tuổi trưởng thành.

Bệnh lý khởi phát sớm (hoặc ở dạng trẻ sơ sinh) là kết quả của sự thiếu hụt hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn GAA. Các triệu chứng bắt đầu trong những tháng đầu tiên của cuộc đời, với các vấn đề về bú, tăng cân kém, yếu cơ, mềm. Khó khăn về hô hấp do nhiễm trùng phổi. Trái tim mở rộng một cách bất thường. Nhiều trẻ sơ sinh mắc bệnh này cũng có lưỡi to. Hầu hết trẻ sơ sinh chết vì các biến chứng về tim hoặc hô hấp trước khi qua một tuổi. 

Bệnh lý ở trẻ sơ sinh cổ điển

Dạng cổ điển của bệnh Pompe khởi phát ở trẻ sơ sinh bắt đầu trong vòng vài tháng sau khi sinh. Trẻ sơ sinh mắc chứng rối loạn này thường bị yếu cơ, rối loạn chức năng cơ (bệnh cơ bẩm sinh), trương lực cơ kém, trẻ mềm oặt, sức cơ giảm (giảm trương lực), gan to và dị tật tim. 

Trẻ sơ sinh ngoài những ảnh hưởng cũng có thể không tăng cân và tăng trưởng theo tốc độ mong đợi và gặp các vấn đề về hô hấp. Nếu không được điều trị, dạng bệnh này này sẽ dẫn đến tử vong do suy tim trong năm đầu tiên của cuộc đời.

Bệnh lý ở trẻ sơ sinh không cổ điển

Dạng không cổ điển của bệnh Pompe khởi phát ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện khi trẻ được 1 tuổi. Bệnh có triệu chứng đặc trưng như kỹ năng vận động kém phát triển và tiến triển yếu cơ. Tim có thể to bất thường nhưng những người bị bệnh thường không bị suy tim. Sự yếu cơ trong rối loạn này dẫn đến các vấn đề về hô hấp nghiêm trọng và hầu hết trẻ em mắc bệnh Pompe khởi phát ở trẻ sơ sinh không cổ điển chỉ sống đến thời thơ ấu nếu không có liệu pháp thay thế enzym.

Bệnh khởi phát muộn

Loại bệnh khởi phát muộn là kết quả của sự thiếu hụt một phần GAA. Lần khởi phát sớm nhất có thể vào 10 năm đầu tiên của cuộc đời hoặc muộn nhất là vào những năm 60 tuổi vào giai đoạn tuổi trưởng thành. 

Loại hình khởi phát muộn thường nhẹ hơn các dạng khởi phát ở trẻ sơ sinh của rối loạn di truyền này và ít có khả năng liên quan đến các vấn đề về tim mạch. Hầu hết những người mắc dạng khởi phát muộn đều bị yếu cơ dần dần, đặc biệt là ở chân và thân trên, bao gồm cả các nhóm cơ kiểm soát hơi thở. Khi tình trạng rối loạn tiến triển, các vấn đề về hô hấp có thể dẫn đến suy hô hấp.Triệu chứng chính là yếu cơ từ đó tiến triển thành suy hô hấp và tử vong do suy hô hấp sau một đợt phát bệnh kéo dài vài năm. 

Tuy tiến triển bệnh chậm hơn so với các hai loại bệnh trên nhưng người mắc bệnh vẫn có tuổi thọ trung bình ngắn hơn những người bình thường.

Đặc điểm di truyền và nguyên nhân

Đặc điểm di truyền

di truyền

Vì đây là một bệnh rối loạn di truyền nên những người mắc bệnh này sẽ được di truyền từ cha hoặc mẹ. Tuy nhiên, điều phổ biến nhất của người mắc bệnh là cả cha và mẹ của họ hầu hết đều không có bất kỳ triệu chứng hoặc biểu hiện nào của bệnh. 

Tại Hoa Kỳ, ước tính cứ 40.000 người thì chỉ có 1 người bị ảnh hưởng bởi bệnh di truyền này. Nó có thể ảnh hưởng đến cả nam và nữ ở mọi dân tộc. Mặc dù ai cũng có thể mắc bệnh này nhưng bệnh phổ biến hơn ở những người Mỹ gốc Phi và một số nhóm người châu Á.

Nguyên nhân gây bệnh

nguyên nhân gây bệnh pompe

Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh Pompe là do các đột biến trong gen GAA, loại gen giúp phá vỡ glycogen, gây ra chứng rối loạn này.

Hơn 550 đột biến khác nhau trong gen GAA đã được xác định ở những người mắc bệnh thiếu hụt acid maltase. Một số đột biến này dẫn đến sự vắng mặt hoàn toàn của enzyme axit alpha-glucosidase (còn được gọi là acid maltase), trong khi một số đột biến khác có thể làm giảm hoạt động của enzym này. 

Trong cả hai trường hợp này, việc thiếu và giảm hoạt động enzym GAA khiến glycogen tích tụ theo thời gian đến một mức độ gây hại cho cơ thể bên trong các ngăn tế bào được gọi là lysosome. Lysosome này đóng vai trò “trung tâm tái chế” của tế bào, là nơi enzym lysosome chuyên biệt giúp phân hủy các phân tử glycogen phức tạp thành một loại đường đơn giản hơn gọi là glucose, đây là nguồn năng lượng chính cho hầu hết các tế bào. 

Các đột biến trong gen GAA ngăn chặn acid maltase phá vỡ glycogen một cách hiệu quả. Chính điều này dẫn đến loại glycogen này tích lũy đến mức gây độc hại trong lysosome. Các tế bào cơ, tim và cơ xương –  nhóm tế bào sử dụng năng lượng cho chuyển động của cơ từ sự phân hủy glycogen – bị ảnh hưởng do sự thiếu hụt enzym. Glycogen tích lũy sẽ thay thế hoặc làm biến dạng các myofibrils – các sợi nhỏ bên trong tế bào cơ cần thiết cho sự co lại của các tế bào. Quá nhiều glycogen tích tụ cũng dẫn đến các lysosome to ra và cuối cùng bị vỡ, giải phóng các enzyme lysosome làm tổn thương thêm các mô và dẫn đến các dấu hiệu và tiến triển các triệu chứng của bệnh Pompe

Triệu chứng

triệu chứng bệnh pompe

Khởi phát sớm

Khi trẻ sơ sinh từ vài tháng tuổi đến 1 tuổi bị bệnh này sẽ được xếp vào nhóm khởi phát sớm. Trẻ khởi phát sớm cổ điển có thể có triệu chứng như sau: 

  • Khó ăn và không tăng cân
  • Trẻ không phát triển nhanh, tăng trưởng chậm so với dự kiến
  • Kiểm soát đầu và cổ kém
  • Biết lăn và ngồi dậy muộn hơn so với trẻ em bình thường
  • Các vấn đề về hô hấp và nhiễm trùng phổi hoặc hệ hô hấp
  • Tim to, dày bất thường hoặc khuyết tật tim
  • Yếu cơ
  • Khó thở
  • Gan to
  • Lưỡi to hơn bình thường
  • Vấn đề về thính giác
  • Trương lực cơ yếu (hội chứng trẻ mềm oặt)

Các triệu chứng khởi phát sớm không cổ điển ở bệnh Pompe có thể hơi khác một chút. Ở trẻ sơ sinh, các triệu chứng bao gồm:

  • Các kỹ năng vận động phát triển chậm (chẳng hạn như việc lăn và ngồi xuống)
  • Cơ bắp yếu dần đi
  • Trái tim lớn bất thường
  • Các vấn đề về hô hấp như nhiễm trùng hô hấp

Khởi phát trễ

Nếu bạn gặp triệu chứng của bệnh bắt đầu khi lớn tuổi hơn – muộn nhất là khi trưởng thành ở độ tuổi 60 – thì đó được gọi là bệnh Pompe khởi phát trễ. Loại này có xu hướng phát triển chậm và thường không liên quan đến hoạt động cơ tim của bạn. Bệnh nhân có thể nhận thấy các triệu chứng của loại khởi phát trễ như:

  • Khó thở, khó tập thể dục và nhiễm trùng phổi
  • Khó thở khi ngủ
  • Thường xuyên nhiễm trùng phổi
  • Gan to
  • Lưỡi to khiến người bị bệnh khó nhai và nuốt
  • Khớp cứng
  • Cảm thấy khó khăn kể cả khi đi bộ
  • Đau cơ trên diện rộng
  • Mất khả năng tập thể dục
  • Nhức đầu vào buổi sáng sớm
  • Trở nên mệt mỏi trong ngày
  • Giảm cân
  • Không thể nuốt dễ dàng như trước
  • Nhịp tim không đều
  • Gặp vấn đề thính giác như cảm giác khó nghe
  • Chân, cánh tay và thân mình đặc biệt là thân trên mình yếu dần đi.

Cách điều trị

nhóm bác sĩ tư vấn

Nếu không được điều trị đúng cách, trẻ sơ sinh mắc bệnh này hầu hết sẽ tử vong. Nhiều người mắc bệnh đều có các vấn đề về hô hấp, các vấn đề về tim và hầu như tất cả đều bị suy nhược cơ. Hầu hết mọi người mắc bệnh dù ở thể nào nếu không được điều trị sẽ phải sử dụng bình dưỡng khí và xe lăn vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời.

Những người mắc bệnh Pompe được điều trị tốt nhất bởi sự tư vấn cung cấp dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ và theo dõi của một nhóm chuyên gia (bao gồm bác sĩ tim mạch, bác sĩ thần kinh, chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ trị liệu hô hấp) am hiểu về căn bệnh này.

Việc phát hiện ra gen GAA đã dẫn đến tiến bộ nhanh chóng trong việc tìm hiểu các cơ chế sinh học và đặc tính của enzym GAA. Kết quả là một liệu pháp thay thế enzym đã được phát triển. Trong các thử nghiệm lâm sàng với bệnh nhân khởi phát ở trẻ sơ sinh, phương pháp thay thế enzym giúp làm giảm kích thước tim, duy trì chức năng tim bình thường, cải thiện chức năng cơ, trương lực, sức mạnh cơ và giảm tích tụ glycogen. 

Vào năm 2006, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ và Cơ quan Thuốc Châu Âu (EMEA)  đã phê duyệt alglucosidase alfa (Myozyme ©) để điều trị bệnh Pompe khởi phát ở trẻ sơ sinh. Lumizyme © hiện nay đã được phê duyệt để điều trị cho các cá nhân ở mọi lứa tuổi và loại mắc bệnh này. Loại thuốc này sẽ được tiến hành tiêm vào tĩnh mạch thông qua tĩnh mạch của bệnh nhân. Nó là một loại enzym được biến đổi gen hoạt động giống như enzym alpha glucosidase axit có trong tự nhiên.

Trong quá khứ, nhiều trẻ sơ sinh mắc bệnh dự trữ glycogen loại II chỉ sống đến thời ấu thơ. Nhưng ngày nay tỷ lệ sống sót dần đang được cải thiện. Mặc dù hiện tại vẫn không có phương pháp chữa trị dứt điểm bệnh nhưng liệu pháp thay thế enzyme có thể kéo dài sự sống của trẻ sơ sinh mắc bệnh Pompe khởi phát ở trẻ sơ sinh. Nó cũng giúp ích cho những người mắc bệnh ở giai đoạn khởi phát muộn.

Các biện pháp vật lý trị liệu và liệu pháp vận động cụ thể cũng có thể hữu ích cho người mắc bệnh. Các nhà nghiên cứu đang tiến hành điều trị bằng liệu pháp gen mà họ hy vọng sẽ nâng cao hoặc thậm chí thay thế phương pháp điều trị hiện tại trong vài năm sắp tới.

Sàng lọc bệnh Pompe như thế nào?

xét nghiệm máu

Việc sàng lọc bệnh trước khi sinh con chưa được nhiều cha mẹ quan tâm đúng mức. Việc sàng lọc bệnh này sẽ bao gồm:

  • Chẩn đoán trước khi sinh có thể được thực hiện nếu một đứa trẻ khác trong gia đình mắc bệnh hoặc phát hiện ra đột biến gen. Tham khảo Sàng Lọc Người Mang Gen Lặn tại CHEK Genomics.
  • Các bác sĩ sẽ khám, hỏi về các triệu chứng và xem xét xem liệu có có thành viên nào trong gia đình mắc bệnh hoặc có các triệu chứng tương tự hay không.
  • Xét nghiệm máu có thể xem xét mức độ hoạt động enzym alpha-glucosidase trong mẫu máu. Những người mắc bệnh sẽ có ít hoạt động enzym hơn bình thường hoặc hoàn toàn không có hoạt động của enzym. Một loại xét nghiệm máu khác có thể tìm kiếm đột biến trong gen trong cơ thể. Trẻ mới sinh có thể chẩn đoán bệnh Pompe bằng xét nghiệm sàng lọc sơ sinh lúc mới chào đời.
  • Một khi bệnh được chẩn đoán mắc bệnh, tất cả các thành viên nên xét nghiệm và tham khảo ý kiến của nhà di truyền học chuyên nghiệp. Biện pháp đáng tin cậy nhất để xác định người mang mầm bệnh là thông qua phân tích đột biến gen.

Người mang mầm bệnh Pompe nghĩa là gì?

Người mang mầm bệnh Pompe nghĩa là người dị hợp tử, là những người dù không mắc bệnh di truyền bẩm sinh này nhưng họ mang trong mình gen lặn kiểu hình của bệnh.

Nói cách khác, họ là những người bình thường nhưng mang trong mình gen lặn của bệnh Pompe. Tuy mang mầm bệnh nhưng họ không có bất kỳ triệu chứng hoặc biểu hiện nào của bệnh. Nhưng đến khi sinh con, đứa con được sinh ra có thể có khả năng mắc bệnh di truyền Pompe do họ có mang mầm bệnh này.

Kết luận

Bệnh nhân mắc một trong hai loại bệnh Pompe khởi phát ở trẻ sơ sinh có thể kéo dài cuộc sống và tăng trưởng tuổi thọ nếu được phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, cả hai loại bệnh này thường gây tử vong ở những năm đầu đời.

Bệnh nhân loại hình khởi phát trẻ sơ sinh dạng cổ điển hiếm khi sống qua 1 tuổi. Bệnh nhân có kiểu khởi phát ở trẻ sơ sinh thể không cổ điển có thể sống đến thời thơ ấu. Trẻ em mắc các loại bệnh khởi phát trễ có thể sống lâu hơn khi bệnh tiến triển chậm hơn.

Liệu pháp thay thế enzym đã “thổi một làn gió mới” vào việc chữa trị cho bệnh nhân mắc bệnh, giúp trì hoãn quá trình phát triển các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh. Sàng lọc sớm các bệnh di truyền sẽ giúp ba mẹ chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống xấu nhất.

Liên hệ ngay CHEK Genomics để được tư vấn di truyền và làm các xét nghiệm cần thiết.

hotline 091 176 3082 checkco.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *