Vậy là một người thân của bạn vừa được chẩn đoán mắc ung thư. Hoặc gia đình hay bạn bè bạn đã và đang phải chiến đấu với căn bệnh này và bạn là người chăm sóc chính của họ. Chăm sóc bệnh nhân ung thư là một trách nhiệm to lớn nhưng đó là một trách nhiệm đáng quý. Một số điểm lưu ý sau đây có thể giúp bạn dễ dàng thích nghi với trọng trách mới này.
Chăm sóc căn bản đối với bệnh nhân ung thư
Tìm hiểu thông tin về ung thư
Ung thư là căn bệnh không phải hiếm gặp. Dù vậy, đa số chúng ta vẫn chưa thật sự biết rõ “ung thư là gì?”. Tìm hiểu thêm về căn bệnh này giúp bạn rất nhiều trong quá trình chăm sóc bệnh nhân ung thư, đặc biệt là những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Những cuộc trao đổi với bác sĩ sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn khi bạn có một nền tảng kiến thức vừa đủ về ung thư cũng như các phương pháp điều trị.
Chăm sóc căn bản cho bệnh nhân ung thư
Cần tạo cho bệnh nhân một không gian yên tĩnh, sạch sẽ, trong lành và thoải mái. Điều này sẽ giúp giảm căng thẳng và lo sợ trong quá trình điều trị. Hỗ trợ bệnh nhân giữ cơ thể sạch sẽ. Đối với những bệnh nhân nằm trên giường trong một thời gian dài thì cần chú ý kỹ hơn về vấn đề vệ sinh, phòng tránh các trường hợp bị hoại tử và biến chứng từ các bệnh khác.
Chăm sóc sức khỏe tinh thần bệnh nhân ung thư
Ngay từ những ngày đầu tiên khi được bác sĩ chẩn đoán bệnh ung thư, cuộc sống của chính bệnh nhân và gia đình đã không còn như cũ. Tất cả mọi người sẽ phải chịu rất nhiều khó khăn về cả mặt cảm xúc lẫn tinh thần bởi vì sống chung với bệnh ung thư là việc không hề dễ dàng. Điều này không nhất thiết có nghĩa là cuộc sống sau này của bạn và người thân sẽ chìm ngập trong nỗi buồn và sợ hãi.Thay vì gục ngã, hãy tập trung vào việc quan trọng hơn đó là giúp người bị ung thư đối phó với cảm xúc của họ, đặc biệt là những cảm xúc tiêu cực. Với tư cách là người chăm sóc bệnh nhân ung thư, bạn có thể giúp họ duy trì và kiểm soát cảm xúc theo hướng tích cực. Các mẹo sau đây có thể hữu ích.
Giao tiếp cởi mở với người bị ung thư
Một phần quan trọng của quá trình chăm sóc bệnh nhân ung thư là việc giao tiếp cởi mở với họ. Bạn có thể cảm thấy căn bệnh của họ là một vấn đề quá tế nhị hoặc quá đau buồn để nhắc đến và chọn cách im lặng hoặc nói sang những chủ đề khác tươi sáng hơn. Dù cả hai bên có tránh né bao lâu thì đây cũng là hiện thực và cần được đối mặt một cách bình tĩnh và lý trí nhất bởi vì thiếu thông tin thường dẫn đến sự cô lập, thất vọng và hiểu lầm. Ví dụ, họ có thể sẽ giấu đi những cơn đau vì sợ sẽ làm phiền đến người chăm sóc họ.
Lắng nghe, cảm thông, và chia sẻ thật lòng là cách tốt nhất để chăm sóc bệnh nhân ung thư về mặt cảm xúc. Hãy chọn thời điểm yên tĩnh và thuận tiện nhất cho cả hai để nói chuyện. Hãy hỏi xem liệu bạn có thể giúp họ với bất kỳ điều gì không. Bệnh nhân, không chỉ với bệnh ung thư mà với tất cả các bệnh khác đều không muốn bản thân là gánh nặng cho người xung quanh. Hãy kiên quyết nói với họ rằng họ không phải tự quyết định mọi thứ và cho họ biết rằng bạn sẵn sàng và luôn luôn có mặt ở bên để giúp họ. Luôn cởi mở với cảm xúc và ý kiến của người bệnh ung thư. Thảo luận về hậu sự với tất cả thành viên trong gia đình, dù đây là chủ đề không ai muốn phải bàn tới.
Tạo cảm giác “người trong cuộc” cho bệnh nhân ung thư
Hãy luôn mời người bị ung thư tham gia vào các hoạt động mang lại ý nghĩa hoặc niềm vui ngay cả khi họ không còn có khả năng tham gia các hoạt động đó một cách trọn vẹn nhất. Tìm cách khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động thường ngày. Đừng tự cho rằng họ là bệnh nhân ung thư nên mặc định họ sẽ không thể làm gì cả. Ngoài những buổi trị liệu ung thư, hàng trăm loại thuốc và hàng tỷ cuộc hẹn bác sĩ, bệnh nhân ung thư sẽ muốn có một cuộc sống bình thường, như khoảng thời gian trước khi họ phát hiện về căn bệnh của mình.
Bệnh nhân ung thư sẽ muốn có một cuộc sống bình thường. Hãy thử tổ chức những buổi họp mặt gia đình nhẹ nhàng tại sân nhà hoặc công viên, hoặc đơn giản là cả gia đình hãy cùng nhau ngồi xem phim và trò chuyện. Điều này sẽ giúp người bị ung thư kết nối với thế giới và duy trì cảm giác bình thường không chỉ cho họ mà còn cho cả người chăm sóc. Bạn sẽ không cảm thấy cuộc sống cá nhân của mình bị tách rời hoàn toàn bởi những trách nhiệm khi chăm sóc người bị ung thư.
Nhận biết các dấu hiệu cho thấy họ cần giúp đỡ
Bệnh nhân ung thư sẽ trải qua một loạt các cảm xúc bao gồm buồn bã, căng thẳng, tức giận, lo lắng, trầm cảm, sợ hãi và tội lỗi. Nếu bạn nghĩ rằng người bạn đang chăm sóc đang gặp khó khăn trong việc quản lý cảm xúc của họ, đừng vội nóng giận.Bệnh nhân ung thư thường phải đối mặt với nhiều cảm xúc tiêu cực và có thể sẽ không kiểm soát được mình. Người chăm sóc cần giữ bình tĩnh trong những trường hợp này.[/caption]Đôi khi, bệnh nhân ung thư cảm thấy chán nản vì quá trình trị liệu không cho thấy kết quả khả thi, và nhiều phương pháp điều trị mới dù có cho họ chút hy vọng nhưng chúng cũng chỉ là những tia hy vọng nhỏ nhoi. Những lúc như vậy thì người chăm sóc người bị ung thư, nhất là ung thư giai đoạn cuối phải thật bình tĩnh và cảm thông. Bạn phải là người có tinh thần vững chắc và mạnh mẽ hơn người bệnh.Bệnh nhân ung thư có thể sẽ mệt mỏi sau quá trình điều trị ung thư, hoặc những biểu hiện tiêu cực đó của họ là do tác dụng phụ của thuốc. An ủi họ, và nói với họ rằng dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì bạn luôn có niềm tin và rằng bạn sẽ luôn ở bên để ủng hộ họ.
Chăm sóc về thể chất cho bệnh nhân ung thư
Ăn uống
Các cơ quan của bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối thường suy yếu đi, khiến họ kém ăn và tiêu hoá kém. Lúc này người chăm sóc cần chú ý kết hợp các loại thức ăn sao cho phù hợp với khẩu vị “khó nhằn” và cơ thể suy yếu của người bị ung thư. Nên cho bệnh nhân ăn các loại thực phẩm dễ ăn mềm dễ tiêu hoá, không chứa các chất kích thích. Nhiệt độ của thức ăn cần vừa phải, nên để nguội bớt trước khi cho người bệnh ăn. Tránh các loại thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ và nhiều muối. Các loại thức uống có ga, nhiều đường và chất hóa học cũng nên được hạn chế. Đối với bệnh nhân hay bị nôn thì cần lưu ý với bác sĩ để tuỳ theo tình trạng mà họ sẽ cho uống thuốc chống nôn.
Chăm sóc bệnh nhân ung thư với các việc “chân tay”
Đối với bệnh nhân ung thư, đặc biệt là những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, quá trình điều trị của họ vô cùng gian khổ và khả năng tự thực hiện những công việc đơn giản hằng ngày cũng sẽ bị hạn chế rất nhiều. Sau mỗi đợt điều trị (hóa trị, xạ trị, tác dụng phụ của thuốc, sinh thiết lần thứ 100,…), bệnh nhân ung thư sẽ cảm thấy rất mệt mỏi. Trong một số trường hợp, họ sẽ cần bạn hỗ trợ trong các việc “tay chân” như như tắm, mặc quần áo, cho ăn, sử dụng nhà vệ sinh và chải chuốt. Để được trợ giúp, hãy trao đổi với bác sĩ, xem các video chăm sóc đặc biệt cho người bị ung thư hoặc đọc các tài liệu giải thích cách thực hiện các công việc này một cách tốt nhất.
Chăm sóc bệnh nhân ung thư với các công việc hằng ngày như ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cá nhân. Đối với người chăm sóc bệnh nhân ung thư, bạn sẽ thường xuyên cảm thấy những nỗ lực trong quá trình chăm sóc của mình không được công nhận và sẽ muốn bỏ cuộc. Nhưng hãy nhớ rằng, khả năng thực hiện các công việc hằng ngày của bệnh nhân ung thư là rất hạn chế. Vì vậy, hãy cảm thông với họ. Bản thân họ cũng đang phải chiến đấu quyết liệt với việc kiểm soát những tế bào đột biến trong cơ thể họ. Hãy giữ một tinh thần tích cực đối với những tiến bộ mà khoa học kỹ thuật trong điều trị ung thư.
Giảm đau
Ung thư giai đoạn cuối thường gây ra rất nhiều đau đớn cho bệnh nhân. Sự đau đớn sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sinh hoạt, giấc ngủ và đặc biệt là tâm trạng của người bệnh. Nên cân nhắc với các bác sĩ về việc sử dụng thuốc giảm đau cho bệnh nhân. Ngoài ra, người nhà cũng cần thường xuyên trò chuyện, động viên bệnh nhân để bệnh nhân hoặc thường xuyên đọc sách báo, xem tin tức hoặc phim ảnh cùng bệnh nhân để giúp phân tán sự chú ý của họ khỏi cơn đau. Nên khuyến khích bệnh nhân tự khống chế cơn đau của mình thay vì phụ thuộc vào thuốc.
Quản lý thuốc và tài liệu y khoa
Bệnh nhân ung thư thường uống nhiều thuốc. Để có được lợi ích cao nhất trong quá trình điều trị, họ phải uống thuốc một cách chính xác như được hướng dẫn. Tìm hiểu thêm về các loại thuốc đang được sử dụng là bước khởi đầu tốt trong việc quản lý thuốc cho người bị ung thư. Nếu không chắc chắn về bất kỳ loại thuốc nào, hãy hỏi ngay bác sĩ. Một số điểm cần lưu tâm khi quản lý thuốc bao gồm:
- Tên thuốc
- Liều dùng
- Hình dạng của thuốc (nếu thấy một loại thuốc mới được kê, người chăm sóc nên hỏi bác sĩ để có thể hỗ trợ bệnh nhân ung thư tốt hơn)
- Thời gian uống thuốc (trước bữa ăn, sau bữa ăn, sáng sớm,…)
- Các chỉ dẫn khác được chỉ định bởi bác sĩ và các chuyên viên y tế khác, ví dụ như các loại thuốc nên được uống trong lúc ăn hoặc không nên uống cùng với một số loại thức ăn
- Các triệu chứng bất thường khi bệnh nhân sử dụng thuốc hoặc các tác dụng phụ không mong muốn trong quá trình điều trị bằng thuốc

Với các tài liệu y khoa liên quan đến quá trình khám và điều trị của bệnh nhân, người chăm sóc cần phải phân loại và giữ chúng một cách có tổ chức. Người chăm sóc bệnh nhân ung thư có thể sử dụng nhiều bìa hồ sơ và giấy màu khác nhau để chia các loại giấy tờ cho dễ quản lý. Đồng thời người chăm sóc cũng phải năm rõ lịch khám và điều trị của bệnh nhân ung thư. Hiện nay có rất nhiều ứng dụng trên điện thoại có thể giúp người chăm sóc thực hiện việc quản lý thuốc và giấy tờ một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất. Nếu bạn không quen với việc sử dụng công nghệ, hãy giữ riêng một cuốn sổ tay có lịch chỉ để ghi chép các công việc liên quan đến chăm sóc bệnh nhân ung thư.
Chăm sóc tốt cho bản thân
Để có thể chăm sóc tốt một người bệnh ung thư, trước tiên bạn phải khỏe mạnh cả về mặt thể chất lẫn tinh thần vì đây là một cuộc chiến dài và vô cùng mệt mỏi. Nó sẽ vắt kiệt sức lực của không chỉ người bệnh mà cả người chăm sóc bệnh nhân ung thư.
Giảm căng thẳng
Đối với bản thân người chăm sóc, hãy nhận biết giới hạn của bản thân. Nếu bạn không có thời gian, năng lượng, hãy học cách nói không khi cần thiết và đừng cảm thấy tội lỗi khi làm điều đó. Việc có người thân được chẩn đoán ung thư sẽ thay đổi cuộc sống và bạn cần tập trung vào những thứ quan trọng và có ý nghĩa nhất.Trong công việc và cuộc sống cá nhân, hãy hỏi xin trợ giúp nếu bạn đang cảm thấy quá tải. Ví dụ, các thành viên khác trong gia đình hoặc bạn bè có thể giúp bạn mua sắm, chuẩn bị bữa ăn, hoặc đưa đón con cái của bạn đến trường. Bạn cũng nên nói rõ với sếp và đồng nghiệp trường hợp hiện tại của gia đình bạn và tìm hiểu các lựa chọn thích hợp hơn trong việc sắp xếp và hoàn thành công việc.
Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và nghỉ ngơi đủ
Cần một người khỏe mạnh để chăm sóc một người đang ốm đau, đặc biệt là đối với việc chăm sóc bệnh nhân ung thư. Ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ sẽ cung cấp cho bạn thêm nhiều năng lượng để đối phó với những căng thẳng hàng ngày trong quá trình chăm sóc bệnh nhân đã, đang hoặc sẽ điều trị ung thư. Ngủ đủ giấc cũng là điều quan trọng. Cố gắng ngủ từ 7 tiếng trở lên mỗi đêm. Các khoảng thời gian rảnh rỗi trong ngày cũng có thể hữu ích để bạn lấy lại năng lượng.
Tìm thời gian để tập thể dục và làm những việc bạn yêu thích
Chăm sóc bệnh nhân ung thư sẽ chiếm một khoảng thời gian lớn trong cuộc sống cá nhân của bạn. Đôi khi điều này sẽ dẫn đến việc bạn cảm thấy như đang dần “đánh mất bản thân”. Bạn không còn là người như trước đây nữa và những suy nghĩ tiêu cực bắt đầu xuất hiện. Người chăm sóc bệnh nhân ung thư có thể sử dụng một trong những phương pháp không lành mạnh như hút thuốc hoặc lạm dụng thuốc ngủ hoặc thuốc kích thích để có thể tiếp tục với quá trình chăm sóc. Hãy giải tỏa những bức bối bằng những cách tốt hơn như tập thể dục nhẹ nhàng khoảng 30 phút một ngày và dành thời gian để làm những việc bạn yêu thích như viết, vẽ, đọc sách báo. Điều quan trọng nhất là hãy xin giúp đỡ từ những người thân, bác sĩ, hoặc các dịch vụ chăm sóc y tế khi cần thiết.Nguồn tổng hợp