Dị tật hở hàm ếch là một trong những dị tật bẩm sinh làm biến dạng khuôn mặt của trẻ, nếu không trang bị kiến thức đầy đủ và cách phòng bệnh hợp lý, dị tật này có thể ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe và sự phát triển sau này của trẻ.
Vậy hở hàm ếch là gì? Các mẹ nên chú ý phòng tránh như thế nào trong khi mang thai trẻ? Tất cả đều được giải đáp ngay trong bài viết dưới đây. Hãy đọc và tìm hiểu thêm nhiều thông tin bạn nhé.
Hiện nay, có rất nhiều trẻ vừa mới sinh ra đã mắc các bệnh dị tật bẩm sinh. Những dị tật này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như cuộc sống của trẻ trong tương lai. Trong đó, hở hàm ếch là một trong những dị tật bẩm sinh có tỷ lệ cao nhất ở trẻ, liên quan đến yếu tố di truyền và các tác động bên ngoài trong quá trình mang thai.
Hở hàm ếch là gì?
Bên cạnh dị tật sứt môi thì hở hàm ếch được xem là một trong những dị tật bẩm sinh xảy ra nhiều ở trẻ. Theo đó, dị tật hở hàm ếch là tình trạng các mô của miệng hoặc môi không hình thành hoàn thiện trong quá trình trẻ phát triển trong bụng mẹ. Dị tật này làm biến dạng khuôn mặt ở trẻ, làm xuất hiện khe hở giữa vòm miệng và khoang mũi.
Trẻ sau khi sinh ra có thể bị hở hàm ếch đơn lẻ hoặc xuất hiện cùng lúc với sứt môi gây nên dị tật sứt môi và hở hàm ếch. Dị tật này thường xuất hiện dưới dạng dị tật bẩm sinh, nhưng cũng có thể do ảnh hưởng của một số hội chứng di truyền hay di truyền trên gen. Thực tế, hở hàm ếch không ảnh hưởng đến tính mạng, tuy nhiên lại tác động rất lớn đến quá trình phát triển của trẻ, về cả thể chất lẫn tinh thần.
Hiện nay, dị tật này đã có những phương pháp điều trị, phổ biến nhất là phẫu thuật.
Tại sao bị hở hàm ếch?
Hở hàm ếch được xem là một dạng của dị tật bẩm sinh, đến nay vẫn chưa được kết luận nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn tới dị tật này có thể bị từ các yếu tố như di truyền, môi trường,…
Môi là bộ phận được hình thành trong tuần thứ 4 – 5 của thai kỳ, và hàm trên được hình thành vào giữa tuần thứ 7 – 8. Trong khoảng thời gian này, mẹ bầu nên hết sức chú ý dưỡng thai thật tốt, tránh để các yếu tố bên ngoài tác động đến thai nhi, gây nên các dị tật bẩm sinh, trong đó có hở hàm ếch.
Có thể kể đến một số nguyên nhân gây hở hàm ếch ở trẻ như sau:
- Do di truyền: ba mẹ mắc dị tật sứt môi, hở hàm ếch thì nguy cơ con cái sinh ra bị dị tật cao hơn.
- Mẹ bị nhiễm virus: trong quá trình mang thai, nếu người mẹ nhiễm các loại virus nguy hiểm như: virus Rubella, cảm cúm, … thì sẽ dễ gây dị tật ở trẻ.
- Mẹ bổ sung quá nhiều vitamin A: vitamin A là chất rất cần thiết cho sức khỏe của mẹ và bé và cần được bổ sung đầy đủ. Tuy nhiên, mẹ cũng nên chú ý không nên đưa vào cơ thể lượng vitamin A quá cao, vì có thể gây ra tình trạng quái thai sau sinh.
- Không bổ sung đủ chất: mẹ nên chú ý bổ sung nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, cả mẹ và bé. Trẻ sau sinh đề kháng sẽ yếu nếu không được cung cấp đủ các chất như: axit folic, vitamin B12 và vitamin B6, …
- Chế độ sống thiếu lành mạnh: mẹ không vận động, uống nhiều bia, rượu hay sử dụng các chất kích thích thì đều không tốt cho trẻ.
- Ba mẹ mắc bệnh lậu, giang mai: nếu ba mẹ trẻ trước đó mắc các bệnh lây nhiễm như bệnh lậu, giang mai, … mà không chữa trị triệt để thì con cái sinh ra sẽ rất dễ mắc dị tật bẩm sinh, trong đó có hở hàm ếch.
- Môi trường sống độc hại: người mẹ trong quá trình mang thai thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại, nhiễm tia phóng xạ, nhiễm hóa chất, … có thể là nguyên nhân gây hở hàm ếch ở trẻ.
Bên cạnh đó, các yếu tố liên quan khác như: tâm lý – sức khỏe người mẹ, tuổi tác ba mẹ, … cũng là những nguyên nhân phần nào gây nên hở hàm ếch ở trẻ.
Triệu chứng
Sau khi trẻ được sinh ra đã ngay lập tức có thể phát hiện được dị tật hở hàm ếch qua các một hay nhiều biểu hiện như:
- Xuất hiện vết nứt ở môi hay vòm miệng ảnh hưởng đến cấu trúc của một hoặc cả hai bên khuôn mặt.
- Có rãnh nhỏ ở môi kéo dài từ môi qua vòm miệng vào mũi.
- Có sự chia tách trong vòm miệng của trẻ.
- Có khe hở xuất hiện trong vòm miệng mềm (dưới niêm mạc), thường nằm ở vị trí sau miệng và được bao phủ bởi niêm mạc miệng. Thông thường, biểu hiện này không được chú ý, chỉ khi trẻ lớn lên, có các dấu hiệu phát triển rõ ràng của dị tật thì mới được phát hiện.
Các biểu hiện hở hàm ếch ở trẻ có thể ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của trẻ, thể hiện qua những dấu hiệu sau:
- Trẻ gặp nhiều khó khăn trong ăn uống
- Khó nuốt thức ăn, chất lỏng hoặc thức ăn có thể chảy ra từ mũi
- Giọng nói mũi, thậm chí hơi ngọng
- Tai có dấu hiệu nhiễm trùng mãn tính.
Cách chẩn đoán và điều trị
Chẩn đoán
Đa số các trường hợp hở hàm ếch đều được phát hiện ngay sau khi trẻ được sinh ra. Nhìn chung, dị tật này không cần thực hiện các xét nghiệm đặc biệt để chẩn đoán. Tuy nhiên, có thể siêu âm khi bé còn trong bụng mẹ để thấy được dị tật này ở trẻ.
Siêu âm trước khi sinh
Siêu âm trước khi sinh là xét nghiệm thông qua sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của thai nhi. Qua những phân tích hình ảnh, bác sĩ có thể thấy được sự khác biệt trong cấu trúc khuôn mặt. Thông thường, có thể thực hiện siêu âm vào tuần thứ 13 của thai kỳ. Thai nhi càng phát triển thì khả năng chẩn đoán càng chính xác.
Xét nghiệm
Nếu kết quả siêu âm trước sinh cho thấy có nguy cơ bị dị tật hở hàm ếch, bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm thông qua lấy mẫu nước ối từ tử cung của mẹ. Kết quả xét nghiệm có thể cho thấy được thai nhi có dị tật hay không.
Điều trị
Tùy theo tình trạng của từng trẻ mà sẽ có quy trình phẫu thuật vòm miệng khác nhau và có thể thực hiện phẫu thuật nhiều lần để đem lại kết quả tốt nhất.
Quy trình phẫu thuật sứt môi và hở hàm ếch thường được thực hiện như sau:
- Sửa môi thực hiện khi trẻ được 3-6 tháng sau sinh
- Sửa chữa hở hàm ếch thực hiện khi trẻ được 12 tháng hoặc cũng có thể sớm hơn.
- Phẫu thuật tiếp theo khi trẻ giữa 2 tuổi và cuối tuổi thiếu niên.
Có thể nói, phẫu thuật giúp cải thiện đáng kể ngoại hình cũng như chất lượng cuộc sống của trẻ. Tuy nhiên, phẫu thuật cũng có khá nhiều rủi ro như: chảy máu, nhiễm trùng, lâu chữa lành vết thương, để lại nhiều sẹo hay gây tổn thương tạm thời hoặc vĩnh viễn các dây thần kinh, mạch máu, và cả những cơ quan khác trên cơ thể.
Phòng ngừa
Axit folic là chất vô cùng có ích giúp ngăn ngừa tật hở hàm ếch ở trẻ. Vì vậy, trước khi mang thai ít nhất 1 tháng và cả trong quá trình mang thai, các mẹ nên dùng từ 0,4 – 1mg axit folic mỗi ngày thông qua việc tăng cường ăn nhiều loại thức ăn giàu Axit folic như: rau xanh, ngũ cốc, … hoặc cũng có thể uống các viên uống bổ sung. Tuy nhiên, các mẹ cũng nên tìm hiểu kỹ, không nên bổ sung quá nhiều gây dư thừa, sẽ ảnh hưởng đến thần kinh.
Ngoài ra, các mẹ trước và trong quá trình mang thai cũng nên lưu ý các vấn đề sau để trẻ sau khi sinh ra được khỏe mạnh hơn, bao gồm:
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp, sử dụng các loại thuốc bổ sung hợp lý và theo chỉ định của bác sĩ
- Khám thai định kỳ để nắm được tình trạng của thai nhi
- Không tiếp xúc với các chất độc hại: chất hoá học, tia phóng xạ, …
- Luôn giữ tinh thần thoải mái, lạc quan
- Tập thể dục nhẹ nhàng như: dưỡng sinh, đi bộ, yoga, …
- Tiêm vắc-xin đầy đủ như vắc-xin rubella, cúm…
Hỏi – Đáp
Hở hàm ếch có chữa được không?
Hiện nay, hở hàm ếch đã được điều trị bằng cách phẫu thuật. Đây là phương pháp tối ưu nhất giúp khắc phục được dị tật này. Sau khi được chẩn đoán mắc dị tật hở hàm ếch, ba mẹ nên cho con thực hiện phẫu thuật sớm (trẻ trên 3 tháng tuổi) sẽ để lại ít sẹo và ảnh hưởng đến yếu tố về mặt thẩm mỹ. Tuy nhiên, cũng không cần thiết phải thực hiện phẫu thuật ngay sau khi sinh xong.
Phẫu thuật hở hàm ếch khi nào?
Đối với mỗi hở hàm ếch đơn lẻ (không có sứt môi) thì có thể thực hiện phẫu thuật sớm nhằm đem lại kết quả tốt nhất. Theo đó, thời điểm phù hợp nhất để thực hiện phẫu thuật hở hàm ếch là từ trên 3 tháng tuổi, trẻ có cân nặng trên 5kg. Ngoài ra, những yếu tố khác về sức khoẻ cũng phải được đảm bảo tốt nhất.
Hở hàm ếch có di truyền không?
Theo nhiều nghiên cứu cho rằng, di truyền được xem là một trong những yếu tố làm hở hàm ếch ở trẻ. Dị tật này được xếp vào nhóm bệnh di truyền đa yếu tố, hay còn gọi là bệnh di truyền phức hợp. Yếu tố di truyền này có thể bắt nguồn từ cả ba hoặc mẹ.
Tật hở hàm ếch là đột biến gì?
Tật hở hàm ếch là tình trạng các mô miệng hoặc môi không phát triển hoàn thiện, là một dị tật bẩm sinh vùng mặt làm biến dạng khuôn mặt ở trẻ nhỏ.
Sứt môi hở hàm ếch phát hiện khi nào?
Sứt môi hở hàm ếch có thể phát hiện được trong tuần thứ 13-14 của thai kỳ bằng cách siêu âm. Khi thai nhi ngày càng phát triển, việc chẩn đoán sẽ chính xác hơn. Khi hở hàm ếch xảy ra đơn lẻ sẽ khó phát hiện hơn khi sử dụng siêu âm.
Hở hàm ếch có phẫu thuật được không?
Hở hàm ếch có thể phẫu thuật. Hiện nay, phẫu thuật được xem là phương pháp tối ưu nhất giúp cải thiện dị tật cho trẻ, từ đó mà khả năng ăn uống, giao tiếp,… cũng được cải thiện hơn rất nhiều. Trước khi thực hiện phẫu thuật, cần chuẩn bị cho trẻ sức khoẻ tốt nhất.
Trên đây là toàn bộ thông tin cơ bản về dị tật hở hàm ếch ở trẻ. CHEK Genomics hy vọng qua đây, ba mẹ sẽ có thêm nhiều thông tin bổ ích để chăm sóc sức khỏe con cái tốt hơn.
Theo dõi Fanpage CHEK để cập nhật thêm thông tin bổ ích nhé.