U tuyến yên có thể mắc phải ở mọi độ tuổi, hầu hết chúng đều rất nhỏ và ít được phát hiện. Mặc dù đây chỉ là khối u lành tính (không phải ung thư), nhưng nó lại có thể gây ra nhiều biến chứng gây ảnh hưởng đến các cơ quan, chức năng khác trong cơ thể và ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe người bệnh.
Chính vì vậy, khi có các dấu hiệu liên quan đến u tuyến yên, người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh mắc phải các biến chứng nguy hiểm về sau.
U tuyến yên là gì?
Khối u được xem là sự phát triển bất thường của các tế bào. Khối u có thể bắt đầu ở mọi điểm trên cơ thể. Tuy nhiên các khối u bắt đầu từ trong tuyến yên được gọi là khối u tuyến yên.
Tuyến yên là một tuyến nhỏ, trông như hạt đậu và được tìm thấy ở đáy não, hơi sau mũi và giữa hai tai. Mặc dù kích thước rất khiêm tốn, nhưng nó lại có khả năng tạo ra các hormone ảnh hưởng đến nhiều tuyến khác và nhiều chức năng khác trong cơ thể.
Đa số các khối u tuyến yên đều là khối u lành tính (không phải ung thư). Chúng sẽ không lây lan sang các bộ phận cơ thể khác. Tuy nhiên, sự xuất hiện của khối u tuyến yên là nguy cơ dẫn đến việc sản xuất ra quá nhiều hoặc quá ít hormone, gây nên một số vấn đề cho cơ thể.
Đây là bệnh lý thường gặp phải. Theo một số nghiên cứu cho thấy, cứ khoảng 10 người trưởng thành thì có 1 người bị u tuyến yên. Nhưng hầu hết những khối u tuyến yên này lại rất nhỏ, không gây triệu chứng thế nên ít khi được chẩn đoán. Ước tính có khoảng 25% số người có thể có khối u tuyến yên nhỏ mà không phát hiện và không được điều trị.
Triệu chứng
Không phải tất cả các khối u tuyến yên đều sẽ gây ra triệu chứng. Tùy thuộc vào kích thước, vị trí, loại nội tiết tố khối u tiết ra, mức độ phát triển của khối u các dấu hiệu, triệu chứng của u tuyến yên đối với mỗi người cũng sẽ khác nhau.
Dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến khối u tuyến.
Rối loạn nội tiết
Việc tăng tiết prolactin khiến cho người mắc bệnh nữ giới bị rối loạn kinh nguyệt hoặc mất kinh, vô sinh, tiết sữa ở nơi vú ngay cả khi không có thai, không có kinh. Người bệnh nam giới có thể bị giảm số lượng tinh trùng, giảm ham muốn tình dục hoặc rối loạn cương dương.
Việc tăng tiết nội tiết tố tăng trưởng GH có thể gây ra các loại rối loạn phát triển khác như to đầu chi, mặt to, trán rộng, trán dô, cằm rộng, môi dày … Người bệnh bị u tuyến yên tăng tiết GH (Acromegaly)[1] thường có khuôn mặt rất đặc biệt và có thể dễ dàng chẩn đoán ngay dựa vào việc quan sát.
U tuyến yên tăng tiết ACTH (adeno, cortisol, trophy, hormon) có khả năng gây ra hội chứng Cushing. Chính vì vậy, người bệnh thường sẽ có các dấu hiệu như tăng cân, xuất hiện vết rạn da ở bụng, đùi, tay… bụng to, tay chân nhỏ.
Dấu hiệu suy tuyến yên: suy tuyến yên, giảm tiết các nội tiết tố có thể gây ra một số triệu chứng như bất lực, vô sinh, rụng lông, mệt mỏi, ăn không ngon, da khô, chậm phát triển hoặc chậm dậy thì ở trẻ em… Tình trạng chảy máu trong u tuyến yên có thể gây suy tuyến yên cấp với các dấu hiệu suy tuyến yên xuất hiện nhanh, đau đầu dữ dội, nhìn mờ nhanh. Nếu gặp phải tình trạng nguy hiểm này, bệnh nhân cần thiết phải được được xử lý kịp thời.
Rối loạn thị giác
Khối u tuyến yên nằm ngay ở hố yên, ngay dưới nơi giao thoa thị giác nên khi u lớn sẽ gây chèn ép và khiến rối loạn thị giác như nhìn mờ, bán manh. Người bị bán manh chỉ có thể nhìn thấy hình ảnh ngay phía trước mặt, không nhìn được vật ở phía bên ngoài thái dương hoặc không nhìn thấy vật ở phía trong.
Tăng áp lực trong sọ
Đây là sự gia tăng áp lực của não có thể do tăng lượng dịch ở vùng xung quanh tổ chức não.
Các triệu chứng thường thấy là đau đầu, buồn nôn, tăng huyết áp, giảm ý thức, thở nông, hôn mê…
Tăng áp lực trong sọ có rất nhiều biến chứng nguy hiểm nên ngay khi phát hiện ra các dấu hiệu của tổn thương trong sọ người bệnh cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời.
Ảnh hưởng của u tuyến yên tới sức khỏe cơ thể
Các khối u tuyến yên có thể gây nên áp lực cho cơ thể bao gồm các triệu chứng như đau đầu, cơ thể nặng nề, giảm thị lực hoặc giảm tầm nhìn ngoại vi, …
Do đó, bệnh u tuyến yên có thể gây ra các biến chứng hoặc các triệu chứng khá nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cơ thể. Cụ thể như:
Thiếu hormone
Các khối u tuyến yên lớn sẽ làm suy giảm chức năng sản xuất hormone. Vì vậy các cơ quan trong cơ thể hoạt động bình thường có thể bị thiếu hormone để hoạt động. Biểu hiện của tình trạng thiếu hormone do u tuyến yên gây ra là:
- Suy nhược cơ thể.
- Có cảm giác buồn nôn và thường xuyên nôn mửa.
- Hay cảm thấy lạnh.
- Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt hoặc không có chu kỳ kinh nguyệt.
- Rối loạn chức năng tình dục.
- Tăng lượng nước tiểu.
- Giảm hoặc tăng cân ngoài ý muốn.
Khối u gây ra tăng tiết hormon tuyến vỏ thượng thận (ACTH)
Tuyến thượng thận sản xuất ra quá nhiều hormone cortisol là nguyên nhân gây hội chứng Cushing ở người bệnh. Hội chứng này có thể gây xuất hiện các dấu hiệu như:
- Tích tụ mỡ bụng và trên lưng.
- Mặt tròn quá mức
- Tay chân trở nên mảnh khảnh.
- Tăng huyết áp.
- Tăng đường huyết.
- Xuất hiện mụn.
- Xương yếu đi.
- Bầm tím.
- Xuất hiện các vết rạn da.
- Lo lắng, khó chịu hoặc trầm cảm.
Khối u tuyến yên gây tăng tiết hormone tăng trưởng
Những khối u dạng này sẽ sản xuất ra quá nhiều hormone tăng trưởng GH và gây ra một số triệu chứng có thể kể đến như:
- Những đặc điểm thô ở khuôn mặt.
- Bàn tay và bàn chân bị phì đại.
- Ra nhiều mồ hôi.
- Đường trong máu tăng cao
- Các vấn đề về tim mạch.
- Đau khớp.
- Răng lệch.
- Mọc nhiều lông một cách bất thường.
Ngoài ra, trẻ em và lứa tuổi thanh thiếu niên phát triển quá nhanh hoặc quá cao.
Khối u gây tiết hormone prolactin
Việc sản xuất prolactin quá mức từ một khối u tuyến yên có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản nam và nữ theo các dấu hiệu khác nhau như:
Đối với phụ nữ, khối u tiết prolactin có thể gây ra:
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều.
- Thiếu kinh nguyệt.
- Tiết dịch màu trắng sữa từ vú.
- Đối nam giới, khối u tiết prolactin có thể gây ra tình trạng suy yếu sinh dục nam. Triệu chứng có thể bao gồm:
- Rối loạn cương dương.
- Giảm số lượng tinh trùng.
- Mất đi ham muốn tình dục.
- Vú phát triển một cách bất thường.
U tuyến yên gây ra tiết hormone tuyến giáp
Việc sản xuất ra quá nhiều hormone kích thích tuyến giáp trong cơ thể sẽ khiến tuyến giáp của người bệnh tiết ra nhiều hormone thyroxine. Đây là nguyên nhân gây bệnh cường giáp, làm đẩy nhanh quá trình trao đổi chất của cơ thể, gây ra các tình trạng:
- Giảm cân.
- Nhịp tim nhanh hoặc bất thường.
- Lo lắng hoặc dễ bị kích động.
- Thường xuyên đi nhẹ.
- Vã nhiều mồ hôi.
U tuyến yên đa phần là lành tính và hiếm khi có tình trạng xâm lấn sang các cơ quan khác. Thế nhưng vì nằm ở vị trí nền não và có chức năng sản xuất, điều hòa hormone nên khi có vấn đề tuyến yên sẽ gây nên những ảnh hưởng đến các cơ quan khác và ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe toàn cơ thể.
Nguyên nhân gây bệnh
Đến nay vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân gây ra các khối u tuyến yên. Nhưng bên cạnh đó, theo sự đánh giá của các nhà khoa học trên thế giới, nguyên do căn bệnh này xuất hiện có thể đến từ việc rối loạn các yếu tố di truyền. Căn bệnh này có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, kể cả người cao tuổi, đặc biệt là đối với những cơ thể có yếu tố di truyền liên quan đến nội tiết tố nhiều.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc u tuyến yên
- Tuổi tác: Bệnh này có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Những người già là đối tượng đặc biệt dễ mắc u tuyến yên.
- Di truyền: Những người có thành viên trong gia đình đã từng mắc bệnh tân sinh đa tuyến nội tiết loại 1 (Men I) cũng là đối tượng rất dễ mắc bệnh.
Cách chẩn đoán và điều trị
Người bệnh sẽ được bác sĩ khám chẩn đoán khối u tuyến yên rồi sau đó là định hướng điều trị phù hợp. Việc chẩn đoán bao gồm các bước khám kỹ lưỡng về tình trạng bệnh sử, thăm khám lâm sàng, xét nghiệm và cận lâm sàng để đưa ra những kết luận chính xác nhất về tình trạng khối u.
Cụ thể các xét nghiệm máu, nước tiểu sẽ đánh giá các chỉ số hormone có đang bị thừa hay thiếu như thế nào. Việc chụp CT não, chụp cộng hưởng từ não cho biết vị trí và kích thước của khối u tuyến yên một cách rõ ràng, cụ thể hơn.
Ngoài ra, bệnh nhân còn được kiểm tra thị lực để xác định xem khối u tuyến yên đã ảnh hưởng đến thị lực hay chưa, hoặc mắc tầm nhìn ngoại biên hay chưa. Bên cạnh đó còn có các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán tình trạng khối u tuyến yên và đưa ra phương pháp điều trị chính xác phù hợp nhất với tình trạng của người mắc bệnh.
Hiện nay bệnh nhân u tuyến yên có khá nhiều sự lựa chọn về phương pháp điều trị, bao gồm các biện pháp loại bỏ khối u, kiểm soát sự phát triển, kiểm soát lượng hormone trong cơ thể bằng cách uống thuốc, hoặc chờ đợi các biện pháp điều trị khác dựa trên sự theo dõi, chỉ định của bác sĩ khi thực sự cần thiết và hiệu quả.
Các phương pháp điều trị phổ biến có thể kể đến như dùng thuốc, phẫu thuật, xạ trị, hoặc kết hợp các biện pháp để giúp tuyến yên trở lại chức năng sản xuất hormone một cách bình thường.
Phẫu thuật
Khi khối u tuyến yên phát triển lớn, gây áp lực lên các dây thần kinh hay tình trạng bệnh tiến triển xấu thì phương pháp phẫu thuật sẽ được thực hiện. Hiện nay, có hai loại phẫu thuật được áp dụng phổ biến, đó là phẫu thuật nội soi loại bỏ khối u qua xoang mũi và phẫu thuật thông qua tiếp cận xuyên sọ. Tỷ lệ thành công của ca phẫu thuật phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: loại khối u, kích thước, vị trí xuất hiện, tình trạng khối u, …
- Phẫu thuật nội soi loại bỏ khối u qua xoang mũi: không phải thực hiên các vết cắt ngoài xương sọ, không để lại sẹo và ảnh hưởng đến các phần khác tại não. Tuy nhiên, khi khối u lớn hay có xâm lấn thì khó để thực hiện phương pháp này.
- Phẫu thuật thông qua tiếp cận xuyên sọ: loại bỏ khối u qua phần trên ở sọ, có vết cắt mổ ở da đầu và xương sọ, giúp tiếp cận các khối u dễ dàng.
Xạ trị
Phương pháp xạ trị là phương pháp tiêu diệt khối u thông qua việc sử dụng tia X ở mức năng lượng cao. Thông thường, phương pháp xạ trị được áp dụng sau thực hiện phẫu thuật hay bệnh nhân không đủ điều kiện để phẫu thuật.
Hiện nay, có các phương pháp xạ trị phổ biến, bao gồm: xạ phẫu thuật đích sử dụng Gamma Knife, sử dụng bức xạ bên ngoài, sử dụng chùm tia proton.
Phương pháp này không đem lại hiệu quả tức thì mà cần có thời gian. Ngoài ra, quá trình xạ trị cũng phụ thuộc nhiều vào tình trạng khối u.
Sử dụng thuốc điều trị
Sử dụng thuốc cũng là một trong những phương pháp để điều trị các khối u tuyến yên. Có thể kể đến các loại thuốc khối u tiết prolactin, khối u tiết hormone tăng trưởng hay somatostatin, giúp làm giảm tiết hormone tăng trưởng đồng thời giảm kích thước khối u, hoặc pegvisomant giúp ngăn chặn sự ảnh hưởng của việc tiết ra quá nhiều hormone tăng trưởng lên cơ thể…
Thay thế hormone tuyến yên
Liệu pháp thay thế hormone tuyến yên là cần thiết khi khối u tuyến yên hoặc ảnh hưởng sau quá trình phẫu thuật khối u. Thời gian điều trị u tuyến yên là suốt đời và quá trình điều trị cần phải được theo dõi liên tục, cụ thể, kỹ càng, bằng các xét nghiệm định kỳ bởi bác sĩ chuyên khoa nội tiết.
Do đó, việc phát hiện và điều trị u tuyến yên kịp thời sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn rất nhiều giúp cải thiện sức khỏe người bệnh. Bên cạnh đó, cần tuân thủ phác đồ điều trị để đạt hiệu quả cao trong việc điều trị, đó là điều kiện tiên quyết để điều trị thành công.
Hỏi-đáp
U tuyến yên có hay gặp không?
U tuyến yên được cho là rất hay gặp ở người. Theo các nghiên cứu, cứ 10 người trưởng thành thì sẽ có 1 trường hợp mắc. Tuy nhiên, đa số người mắc u tuyến yên có ít hoặc không gặp triệu chứng gì.
U tuyến yên có những loại nào?
Hiện nay, các khối u tuyến yên được chia làm 2 loại chính, bao gồm: u tuyến yên tăng tiết và không tăng tiết.
U tuyến yên có nguy hiểm không?
Nhìn chung, u tuyến yên không gây nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên nó lại ảnh hưởng khá nhiều đến thể trạng cơ thể, sức khỏe của người bệnh như: thị lực suy giảm, thậm chí mất thị lực, vô sinh, … hay các biến chứng nguy hiểm khác.
U tuyến yên nằm ở đâu?
U tuyến yên xuất hiện ở hố yên, nằm phía dưới nơi giao thoa thị giác (tức nơi bắt chéo hai dây thần kinh thị giác). Vì vậy, khi khối u phát triển lớn dần sẽ gây nên tình trạng chèn ép, gây các rối loạn thị giác.
U tuyến yên có tái phát không?
U tuyến yên cũng như nhiều khối u lành tính khác, đều có khả năng tái phát sau khi được điều trị. Vì vậy, người bệnh nên tái khám thường xuyên để nắm được tình hình sức khoẻ. Ngoài ra, có nhiều người cũng nên điều chỉnh nồng độ hormone của cơ thể thông qua các phương pháp điều trị.
U tuyến yên có con được không?
Nhìn chung, u tuyến yên không ảnh hưởng quá nhiều đến việc mang thai nếu khối u nhỏ hơn 10mm. Trong trường hợp khối u lớn hơn 10mm, bạn có thể áp dụng các phương pháp điều trị: sử dụng thuốc, phẫu thuật, … và khối u nhỏ lại.
U tuyến yên có di truyền không?
Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra bệnh u tuyến yên. Tuy nhiên, theo nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới, di truyền cũng được xem là yếu tố hàng đầu gây u tuyến yên ở người.
U tuyến yên sống được bao lâu?
Là u lành tính, vì vậy, người bệnh hoàn toàn sống đến cuối đời mà không phải lo lắng quá nhiều.
Trên đây là toàn bộ thông tin về u tuyến yên. CHEK Genomics hy vọng qua bài viết này, các bạn sẽ chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình tốt hơn. Cảm ơn các bạn đã đọc bài