Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến và khá nguy hiểm ở nam giới. Bệnh có khả năng di căn sang các vùng khác, đặc biệt và xương và các bạch huyết, gây tình trạng đau đớn và gặp nhiều khó khăn khi tiểu tiện. Bệnh gây ra rối loạn chức năng cương dương và vấn đề quan hệ tình dục ở nam giới.
Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả vô cùng xấu. Vậy dấu hiệu nào để nhận biết ung thư tuyến tiền liệt, nguyên nhân và cách chẩn đoán bệnh như thế nào? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm thông tin về bệnh.
Ung thư tuyến tiền liệt là gì?
Ung thư tuyến tiền liệt là căn bệnh thường gặp ở nam giới, tuyến tiền liệt nằm phía dưới bọng đái và phía trước ruột già. Tuyến tiền liệt nằm bao quanh niệu đạo, có chức năng quan trọng đối với quá trình sinh sản vì đây là bộ phận sản sinh tinh dịch và vận chuyển tinh trùng. Do vậy, mắc ung thư tuyến tiền liệt làm ảnh hưởng rất lớn đến việc quan hệ tình dục cũng như sinh sản ở nam giới.
Bệnh ung thư tuyến tiền liệt là một trong những loại ung thư khá nguy hiểm, nếu không phát hiện kịp thời thậm chí có thể gây tử vong. Bệnh ung thư tuyến tiền liệt phát triển khá chậm, nếu được phát hiện kịp thời thì có thể sống nhiều năm. Ngược lại, nếu để bệnh tiến triển có thể di căn sang các vùng khác, đặc biệt là xương và các bạch huyết, gây đau đớn và khó khăn khi tiểu tiện ở nam giới. Ngoài ra, bệnh còn gây rối loạn chức năng cương dương và ảnh hưởng đến vấn đề quan hệ tình dục ở nam giới.
Theo thống kê của WHO vào năm 2018, bệnh ung thư tuyến tiền liệt đứng thứ 4 trong các bệnh ung thư phổ biến với khoảng 1,3 triệu ca mắc mới[1]. Ngoài ra, bệnh còn đứng thứ 8 thuộc những bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao. Tại Việt nam, ung thư tuyến tiền liệt đứng thứ 13 thuộc những bệnh có tỷ lệ tử vong cao với khoảng 4000 ca mắc mới. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, kết quả mang lại sẽ khá khả quan và kéo dài được thời gian sống cho người bệnh.
Tại Việt Nam, số nam khoa đến khám vì bệnh tuyến tiền liệt có tăng lên tuy nhiên đối với bệnh ung thư tuyến tiền liệt vẫn chưa nhận được sự quan tâm thỏa đáng. Bên cạnh đó, điều kiện để chẩn đoán và phát hiện bệnh ung thư tuyến tiền liệt tại các cơ sở y tế vẫn chưa được trang bị đầy đủ. Chính vì vậy, bệnh nhân ung thư thường được phát hiện ở giai đoạn muộn gây khó khăn cho việc điều trị bệnh cũng như tăng khả năng tử vong.
Có nhiều loại ung thư tuyến tiền liệt, nhưng phổ biến nhất là ung thư biểu mô tuyến. Ngoài ra còn có các loại ung thư sau: ung thư tuyến tiền liệt không biệt hóa, ung thư biểu mô tế bào vảy, ung thư biểu mô ống tuyến chuyển tiếp, sarcoma tuyến tiền liệt.
Triệu chứng của bệnh ung thư tuyến tiền liệt
Bệnh ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn đầu hầu như không có các triệu chứng rõ rệt và khá khó phát hiện. Ở giai đoạn sau của ung thư tuyến tiền liệt thường có những biểu hiện như sau:
Tiểu tiện khó khăn
Người bệnh sẽ gặp tình trạng tiểu tiện khó khăn, tức là có hiện tượng buồn tiểu nhưng không đi được hoặc đang tiểu bỗng dừng lại đột ngột hoặc đi tiểu nhiều hơn bình thường. Tuyến tiền liệt nằm bao quanh niệu đạo, chính vì vậy khi xuất hiện khối u dù rất nhỏ cũng có thể gây khó khăn cho việc tiểu tiện hoặc xuất tinh.
Đau khi tiểu tiện
Vì các khối u xuất hiện ở tuyến tiền liệt gây chèn ép lên niệu đạo cho nên mỗi khi đi tiểu sẽ có cảm giác đau rát. Đây cũng là dấu hiệu thường gặp nếu bạn đang mắc tình trạng nhiễm trùng tuyến tiền liệt phì đại tuyến.
Đi tiểu ra máu
Người mắc ung thư tuyến tiền liệt còn có triệu chứng xuất hiện máu trong nước tiểu, có khi chỉ là một vệt màu hồng nhạt. Bên cạnh đó, đây còn là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác, điển hình như viêm đường tiết niệu. Do vậy, nếu gặp phải triệu chứng đi tiểu ra máu thì có thể bạn đang gặp vấn đề về bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Chính vì vậy, bạn cần đi thăm khám để xét nghiệm cũng như chẩn đoán được bệnh nếu có.
Khó duy trì cương cứng
Nguyên nhân là do xuất hiện khối u ở tuyến tiền liệt làm chặn máu đi đến dương vật để giúp cương cương cho nên mới gây ra tình trạng khó duy trì sự cương dương. Ngoài ra, bệnh tiền liệt tuyến phì đại cũng có triệu chứng tương tự.
Xuất hiện máu trong tinh dịch
Đây là dấu hiệu không được người bệnh chú ý khi mắc phải ung thư tuyến tiền liệt. Trong trường hợp này, máu xuất hiện trong tinh dịch khá ít và chỉ đủ làm cho tinh dịch có màu hơi hồng hoặc có vệt máu.
Có dấu hiệu đau lưng, hông và đùi trên thường xuyên
Đây được xem là dấu hiệu phổ biến của bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Người bệnh sẽ thường xuyên có cảm giác bị đau ở lưng, hông và đùi trên.
Tiểu đêm
Khi xuất hiện việc thường xuyên đi tiểu đêm, rất có khả năng bạn có thể mắc ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, triệu chứng đi tiểu đêm thường không được người bệnh chú ý tới. Do vậy, khi có dấu hiệu tiểu đêm quá 2 lần, bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tiết niệu để có thể phát hiện và điều trị bệnh kịp thời nếu có.
Tiểu rắt
Ngoài ra, người bệnh còn có triệu chứng tiểu rắt, rò rỉ nước tiểu không tự chủ. Chính vì vậy, khi gặp phải tình trạng này bạn nên lưu ý và đi thăm khám bác sĩ ngay.
Ở thời kỳ đầu của ung thư tuyến tiền liệt thường không có triệu chứng cụ thể. Người bệnh có thể xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt tăng cao để có thể phát hiện bệnh. Các triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệt nhiều khi rất giống dấu hiệu của các bệnh lý khác, điển hình như bệnh tăng sản tuyến tiền liệt lành tính.
Ở giai đoạn sau, bệnh ung thư tuyến tiền liệt có khả năng di căn sang các khu vực khác của cơ thể như xương và các bạch huyết, gây ra các triệu chứng như đau xương. Đặc biệt, nếu bệnh di căn vào cột sống có thể đè lên tủy sống làm cho tay chân yếu đi, đồng thời gây ra tình trạng tiểu tiện không tự chủ.
Bệnh ung thư tuyến tiền liệt phát triển chậm và những biểu hiện rất khó phát hiện trong giai đoạn đầu. Do vậy, khi có những biểu hiện sơ khai thì không nên chủ quan và coi nhẹ mà nên đi thăm khám kịp thời. Khi khám chuyên khoa tiết niệu, người bệnh sẽ được bác sĩ làm các xét nghiệm chuyên khoa như chụp cộng hưởng từ vùng sàn chậu, sinh thiết tuyến tiền liệt để chẩn đoán được bệnh, mức độ và giai đoạn của bệnh.
Nguyên nhân nào dẫn đến ung thư tuyến tiền liệt?
Ngày nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Tương tự các loại ung thư khác, sự sinh sản của các tế bào bị đột biến gen nhiều lần được coi như nguyên nhân gây ra bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Các tế bào ung thư sinh sản liên tục không ngừng cho nên bệnh có khả năng di căn đến các cơ quan khác trên cơ thể. Theo kê dịch tễ học, người ta nhận thấy có một số yếu tố có nguy cơ mắc bệnh như sau:
Do tuổi tác
Ung thư tuyến tiền liệt có khả năng mắc bệnh phụ thuộc vào độ tuổi và có khả năng gia tăng theo tuổi. Theo khảo sát, nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt ở người 75 tuổi là 1/7, tức là cứ 7 người sẽ có 1 người mắc bệnh và đến 85 tuổi tỉ lệ này tăng lên 1/5.
Do tiền sử gia đình
Nếu gia đình có người từng mắc ung thư tuyến tiền liệt thì đời sau có khả năng mắc bệnh cao hơn những người đàn ông bình thường. Nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng cao khi gia đình có trên 1 người mắc ung thư tuyến tiền liệt. Đặc biệt, khả năng mắc bệnh còn có thể cao hơn nữa nếu có tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến tiền liệt khi còn trẻ.
Do chế độ ăn uống
Có nhiều nghiên cứu cho rằng việc ăn uống không khoa học, sử dụng nhiều thực phẩm chế biến hoặc ăn thức ăn chứa nhiều chất béo có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Do lối sống thiếu khoa học
Lối sống thiếu khoa học cũng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Có nghiên cứu đã minh chứng rằng các yếu tố bên ngoài như môi trường và lối sống có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh. Ví dụ một người châu Á có tỷ lệ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt thấp nhưng khi di cư sang phương Tây thì nguy cơ mắc bệnh của người này lại tăng cao, đây là minh chứng cụ thể nhất.
Yếu tố khác
Ngoài những yếu tố trên, bệnh ung thư tuyến tiền liệt còn có thể mắc phải từ các yếu tố khác như:
- Phì đại tuyến tiền liệt cũng có thể gây ra ung thư tuyến tiền liệt.
- Những người thắt ống dẫn tinh có khả năng mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn người bình thường sau 20 năm.
- Những người tiếp xúc nhiều với chất phóng xạ cũng có khả năng mắc ung thư tuyến tiền liệt.
- Hoạt động tình dục nhiều cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt, tuy nhiên vấn đề này vẫn còn đang có nhiều tranh cãi.
Chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt bằng cách nào?
Khám tuyến tiền liệt bằng tay qua trực tràng
Đây là phương pháp được sử dụng để phát hiện bệnh ung thư đại trực tràng. Thông qua việc thăm khám trực tràng bằng ngón tay, bác sĩ có thể phát hiện được nhân rắn trong tuyến tiền liệt, đồng thời nhận biết được các thùy không đối xứng, mật độ của nó không đều hoặc tuyến tiền liệt rắn chắc không còn ranh giới rõ ràng với các tổ chức xung quanh. Đây là phương pháp thăm khám tương đối đơn giản, chi phí thấp, tuy nhiên độ chẩn đoán không cao.
Xét nghiệm máu PSA
PSA là kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt, tuy nhiên PSA còn tồn tại ở nhiều tuyến khác cho nên không được xem là đặc niệu lý tưởng của tuyến tiền liệt. Mặc dù có nhiều tranh cãi khi sử dụng PSA nhưng PSA vẫn được xem là phương pháp chẩn đoán hiệu quả nhất của ung thư tuyến tiền liệt, phương pháp này có thể xác định được giai đoạn của bệnh, đồng thời theo dõi được sự tiến triển của ung thư tuyến tiền liệt.
Đặc biệt, theo nghiên cứu mới nhất cho thấy PSA có khả năng xác định được nguy cơ phát triển thành bệnh ung thư tuyến tiền liệt trong tương lai. Phương pháp PSA được sử dụng phổ biến nhờ tính khách quan và tránh được tâm lý ngượng ngùng hay sợ đau của người bệnh. Trong nhiều nghiên cứu cho thấy rằng PSA có khả năng phát hiện bệnh sớm, là công cụ tối ưu để chẩn đoán, theo dõi và đánh giá kết quả sau khi điều trị.
Siêu âm
Siêu âm là một trong những phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt hiệu quả. Siêu âm giúp hỗ trợ quan trọng cho việc thăm khám lâm sàng. Chính vì vậy, bác sĩ thăm khám cần là người có chuyên sâu về siêu âm tiết niệu làm chẩn đoán. Ở cá nước phát triển đã có nhiều trường hợp có khả năng phát hiện được các khối ung thư tuyến tiền liệt với kích thước từ 2 – 4mm thông qua siêu âm qua trực tràng.
Siêu âm trên xương mu có thể đánh giá được ảnh hưởng của ung thư tuyến tiền liệt đường tiết niệu trên, nhất là khi bệnh đang ở giai đoạn muộn. Thông qua siêu âm có thể thấy được thành bàng quang giãn mỏng hay viêm dày, đồng thời nhận thấy được niệu quản bể thận giãn ứ nước do khối u chèn ép.
Ngoài ra, thông qua siêu âm có thể đánh giá được các tổn thương khác như hạch châu, mức độ di căn của u vào bàng quang và đo được kích thước tuyến tiền liệt. Nhược điểm của siêu âm trên xương mu sẽ không quan sát được trực tiếp tuyến tiền liệt và không cho được những hình ảnh rõ nét.
Siêu âm qua trực tràng có thể thấy được các hình ảnh rõ nét hơn so với siêu âm trên xương mu. Đặc biệt, siêu âm qua trực tràng được sử dụng với đầu dò tần số cao nên cho được những hình ảnh rõ nét, giúp quá trình chẩn đoán bệnh diễn ra hiệu quả hơn.
Sinh thiết tuyến tiền liệt
Sinh thiết được xem là xét nghiệm quan trọng nhất để chẩn đoán được người bệnh có mắc ung thư tuyến tiền liệt hay không và được chỉ định xét nghiệm sau khi có kết quả đưa ra là nghi ngờ có sự tồn tại của ung thư tuyến tiền liệt. Sinh thiết tuyến tiền liệt có khả năng đánh giá độ biệt hóa tế bào qua vi thể. Ung thư tuyến tiền liệt thường di căn vào xương, phổi và gan.
Chẩn đoán hình ảnh
Khi đã có chẩn đoán khối u ác tính ở tuyến tiền liệt, người bệnh cần xạ hình xương và chụp cộng hưởng MRI vùng chậu để có thể đánh giá được giai đoạn của ung thư. Chẩn đoán bằng hình ảnh giúp bác sĩ xác định được tế bào ung thư đã di căn đến xương hoặc các bạch huyết hay chưa.
Hỏi – đáp về bệnh ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt sống được bao lâu?
Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh tương đối phổ biến và khả năng sống của người bệnh còn phụ thuộc vào từng giai đoạn phát hiện bệnh. Nếu được phát hiện sớm thì tế bào ung thư chỉ nằm trong tuyến tiền liệt và chưa di căn cho nên tỷ lệ điều trị thành công cao. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn thì cơ hội sống của bệnh nhân cũng giảm dần đi, cụ thể như sau:
- Giai đoạn 1,2: Đây là giai đoạn khi tế bào ung thư chỉ vừa mới xuất hiện và chỉ phát triển ở một bên của tuyến tiền liệt. Lúc này các tế bào ung thư chỉ nằm trong tuyến tiền liệt và chưa di căn ra xa. Do vậy, nếu được phát hiện ở giai đoạn này và tích cực điều trị thì bệnh nhân có thể khỏi bệnh và có thể sống được hơn 5 năm, thậm chí là 10 – 15 năm sau khi chẩn đoán bệnh.
- Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn các tế bào ung thư đã phá vỡ bao phủ của tuyến tiền liệt và lan rộng vào ống dẫn tinh. Khi ung thư tuyến tiền liệt lan ra khỏi tuyến tiền liệt sẽ làm giảm tỷ lệ sống sót của bệnh nhân. Nếu được điều trị tích cực, người bệnh có thể sống thêm được 5 năm, các trường hợp khác có thể sống từ 1 – 5 năm sau khi chẩn đoán.
- Giai đoạn cuối: Khi bệnh ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn cuối nghĩa là các tế bào ung thư đã lan sang các cơ quan khác của cơ thể, có thể là bàng quang, hạch bạch huyết, gan, phổi hoặc xương. Tỷ lệ sống sót của người mắc ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn cuối khá mong manh và còn phụ thuộc vào mức độ di căn của khối u. Khoảng 1/3 trường hợp mắc ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn cuối sống sót được khoảng 5 năm nếu được điều trị tích cực. Nhưng thông thường, khả năng sống sót của bệnh nhân chỉ kéo dài vài tháng hoặc tối đa 1 – 2 năm.
Ung thư tuyến tiền liệt có chết không?
Ung thư tuyến tiền liệt là loại bệnh phát triển chậm. Nếu được phát hiện và chữa trị kịp thời thì người bệnh có thể sống được thêm nhiều năm. Tuy nhiên, nếu phát hiện bệnh muộn, lúc này các tế bào ung thư đã di căn vào các cơ quan trong cơ thể người bệnh, đe dọa lớn đến mạng sống và có thể gây tử vong.
Ung thư tuyến tiền liệt có chữa được không?
Ung thư tuyến tiền liệt có thể chữa trị và kéo dài khả năng sống sót của bệnh nhân. Nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực, thời gian sống của người bệnh có thể kéo dài từ 10 – 15 năm.
Kết luận
Trên đây là những thông tin quan trọng về bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Hy vọng bài viết mang đến cho bạn những thông tin bổ ích. Nếu có bất cứ dấu hiệu hay nghi ngờ gì về bệnh ung thư tuyến tiền liệt, hãy đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời!