Theo thống kê của trung tâm Cancer Treatment Centers of America, triệu chứng tái phát ung thư cổ tử cung có thể xảy ra sau một khoảng thời gian trên cơ thể người bệnh, tỷ lệ tái phát là khoảng 35%. Hầu hết các ca tái phát xảy ra trong vòng 2 năm. Vậy ung thư cổ tử cung tái phát là gì và liệu có thể dùng điều trị đích để điều trị căn bệnh này được không? Dưới đây sẽ là một số thông tin và câu trả lời cho bạn đọc.
Vì sao ung thư cổ tử cung dễ tái phát?
Ung thư cổ tử cung (Cervical Cancer) là bệnh lý xảy ra khi lớp mô mỏng hình thành từ các tế bào phủ trên cổ tử cung (phần dưới của tử cung) xuất hiện những tế bào phát triển bất thường, lấn át các tế bào thường dẫn đến hình thành các khối u ác tính ở trong cổ tử cung.
Nếu như phát hiện kịp thời, ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể điều trị được và cơ thể người bệnh sẽ trở lại trạng thái khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên nhiều trường hợp, sau khi điều trị bệnh xong, trong cơ thể bệnh nhân vẫn còn sót lại một phần nhỏ những tế bào ác tính. Theo thời gian, các tế bào này phát triển và nhân lên tiếp tục gây ra các triệu chứng khó chịu khiến bệnh quay trở lại, trường hợp này gọi là ung thư cổ tử cung tái phát.
Dấu hiệu ung thư cổ tử cung tái phát
Bệnh có ba loại tái phát là: Tái phát tại chỗ, tái phát khu vực và tái phát xa (hay còn gọi chung là tái phát di căn)
Tái phát tại chỗ là khi cơ thể lại bị ung thư ở cổ tử cung hoặc nơi nó khởi phát lần đầu như tử cung hay các cơ quan khu vực vùng chậu, …
Tái phát di căn: Là khi ung thư đã di căn đến các cơ quan khác như xương, hạch bạch huyết, bàng quang, … Xảy ra khi các tế bào ung thư cổ tử cung tách ra khỏi khối u ban đầu và di chuyển qua hệ thống bạch huyết hoặc tuần hoàn đến các cơ quan khác của cơ thể.
Mỗi bệnh nhân khác nhau khi tái phát sẽ có dấu hiệu, triệu chứng khác nhau. Nhưng nhìn chung, các dấu hiệu ung thư cổ tử cung tái phát sẽ có phần tương tự (hoặc nặng hơn) ung thư lần đầu:
- Chảy máu bất thường ở âm đạo (chảy máu giữa các kỳ kinh, sau khi quan hệ tình dục, …), chu kỳ kéo dài hơn bình thường, máu chảy nhiều hơn bình thường, …
- Dịch âm đạo tiết ra bất thường, lỏng như nước, có màu hồng, mùi hôi khó chịu, hay bị rò rỉ nước tiểu, …
Nếu tái phát di căn, cơ thể sẽ xuất hiện cả các triệu chứng như đau vùng chậu, đau nhức xương khớp, suy nhược cơ thể, sụt giảm cân nặng, đau lưng…
Đặc biệt các bệnh nhân tái phát thường dễ bị suy sụp về tinh thần, sợ hãi, đau buồn và tiêu cực gấp nhiều lần lúc phát hiện ra ung thư lần đầu.
Cách điều trị khi ung thư cổ tử cung tái phát
Sau khi được điều trị khỏi ung thư cổ tử cung, bệnh nhân cần được thường xuyên theo dõi và chăm sóc cẩn thận. Ngoài việc giữ gìn sức khỏe cẩn thận, người bệnh và người nhà đặc biệt cần ghi nhớ và chú ý tới lịch trình tái khám định kỳ như khám lâm sàng hay xét nghiệm nếu cần thiết để có thể theo dõi tình trạng sức khỏe và xem bản thân có khả năng bị tái ung thư hay không.
Nếu có các dấu hiệu đáng nghi, bệnh nhân cần đi tới cơ sở y tế để được xét nghiệm và cung cấp các thông tin sớm, chuẩn xác nhất cho việc chẩn đoán bệnh. Thường thì các xét nghiệm này sẽ là xét nghiệm thể dịch, máu và được chẩn đoán qua hình ảnh hoặc sinh thiết mẫu.
Việc điều trị ung thư cổ tử cung tái phát sẽ phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đặc biệt là tình trạng bệnh nhân, vị trí tái phát và cả phương pháp đã được sử dụng để chữa trị ung thư trước đó.
- Nếu bệnh nhân đã phẫu thuật cắt bỏ cổ tử cung và ung thư chỉ tái phát ở một khu vực nhỏ gần nơi phẫu thuật, thì có thể tiến hành xạ trị.
- Nếu bệnh nhân đã được xạ trị vùng chậu, thì không thể tiến hành xạ trị lại phần đó của cơ thể.
- Một số bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung tái phát trong khung chậu có thể trải qua một thủ tục phẫu thuật mở rộng để loại bỏ ung thư và nhiều cơ quan vùng chậu.
- Những bệnh nhân khác bị tái phát ung thư cổ tử cung bên ngoài khung chậu và có thể được hóa trị hoặc xạ trị để giảm bớt các triệu chứng.
Ước tính có khoảng 35% bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung xâm lấn phát triển dai dẳng hoặc tái phát sau khi điều trị.
Đối với các phương pháp điều trị thì chủ yếu các y bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp sau:
- Xạ trị: dùng tia X (tia phóng xạ) chiếu lên vùng có tế bào ung thư để tiêu diệt chúng bằng cách làm ảnh hưởng đến vật chất di chuyển trong tế bào hoặc cấy chất có chứa phóng xạ với kích cỡ nhỏ vào khối u trong cơ thể của người bệnh. Đối với ung thư cổ tử cung tái phát, xạ trị thường được áp dụng cùng với hóa trị. Trong nhiều trường hợp, xạ trị có thể được sử dụng để giảm đau, cầm máu hoặc kiểm soát các triệu chứng (được gọi là liệu pháp giảm nhẹ). Phương pháp này mang lại hiệu quả cao, nhưng cũng có nhiều tác dụng phụ: buồn nôn, rụng tóc, suy nhược…
- Hóa trị: Hóa trị là dùng thuốc để kiểm soát và giảm kích thước khối u, tiêu diệt tế bào ung thư một cách từ từ. Thuốc hóa trị được sử dụng để điều trị ung thư cổ tử cung tái phát được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp.
- Phẫu thuật: phụ thuộc vào từng tình hình phát triển của tế bào ung thư mà các bác sĩ có thể phẫu thuật để cắt bỏ khối u.
- Ngoài ra còn các phương pháp khác như liệu pháp nhắm trúng đích hay liệu pháp miễn dịch, …
Ung thư cổ tử cung tái phát có điều trị trúng đích được không?
Trong các biện pháp điều trị ung thư phổ biến, các bác sĩ cũng sẽ dựa vào tình trạng của bệnh nhân để dùng phương pháp điều trị đích kết hợp cùng với hoá trị, xạ trị.
Phương pháp này sử dụng những loại thuốc đặc trị tập trung vào những tế bào ung thư để tách biệt và ngăn cản sự phát triển của chúng, giúp cho hệ miễn dịch có thể phát hiện và tiêu diệt hoặc thay đổi cấu trúc protein để các tế bào ung thư bị diệt. Thuốc điều trị đích phổ biến nhất được sử dụng để điều trị ung thư cổ tử cung là Bevacizumab (Avastin)[1].
Tuy rằng có thể dùng liệu pháp điều trị đích để điều trị ung thư cổ tử cung tái phát nhưng người bệnh cũng cần lưu ý để chuẩn bị sẵn tinh thần vì cơ thể sẽ xuất hiện một số tác dụng phụ như:
- Dị ứng thuốc: phát ban, khó thở, chóng mặt, đau ngực, da khô nứt, …
- Đau ngứa ở bàn tay, bàn chân. Chúng trở nên sưng đỏ , phồng rộp, …
- Buồn nôn, ói mửa, dễ bị tiêu chảy hoặc táo bón bất thường, lở miệng, khó thở, mệt mỏi thường xuyên,…
- Dễ bị thay đổi màu tóc hoặc màu da, rối loạn đông máu, vết thương chậm lành,…
Phụ thuộc vào tình hình tâm lý, sức khoẻ và cách được chăm sóc của người bệnh mà các tác dụng phụ sẽ sớm chấm dứt hoặc cũng có thể sẽ kéo dài cả đời. Vì vậy gia đình và cả bệnh nhân đều cần hết sức chú ý.
Làm sao để ung thư cổ tử cung không tái phát?
Với tất cả các triệu chứng nguy hiểm và các tác dụng phụ gây đau đớn như trên, việc tái ung thư chưa bao giờ là điều mà bệnh nhân hy vọng gặp phải.
Việc theo dõi sau khi điều trị ung thư là việc vô cùng quan trọng và sát sao cụ thể, tỉ mỉ, có thể phát hiện kịp thời, phòng tránh bệnh nặng và tái phát đến mức tối đa.
Tâm lý, sức khoẻ của người bệnh chính là điều cần được quan tâm thứ hai. Luôn luôn vui vẻ lạc quan, vận động hợp lý với chế độ dinh dưỡng tốt sẽ khiến cơ thể khoẻ mạnh, tăng sức đề kháng, chống chọi với bệnh tật, khiến cho các tế bào ác tính còn sót lại trong cơ thể không có cơ hội phát triển và lan rộng.
Trên đây là một số thông tin xung quanh vấn đề “ung thư cổ tử cung tái phát có điều trị trúng đích được không?“. CHEK Genomics hy vọng những thông tin chia sẻ ở trên đã giúp ích phần nào cho quý độc giả. Và hãy luôn nhớ rằng, tinh thần có thể khiến người ta có thêm động lực chiến thắng, vì vậy các bệnh nhân hãy luôn giữ vững sự lạc quan và vui vẻ của bản thân để sớm ngày mạnh khỏe trở lại với cuộc sống thường ngày.