Suy giảm thính lực bẩm sinh ở trẻ nếu không được phát hiện sớm sẽ ảnh hưởng tới quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ, ảnh hưởng tới tính cách, tư duy và sự phát triển của trẻ trong tương lai.
Vậy suy giảm thính lực bẩm sinh có biểu hiện gì? Tại sao trẻ lại bị lúc mới sinh? Và quá trình phát hiện, điều trị ra sao? Hãy tiếp tục theo dõi bài viết bên dưới, CHEK Genomics sẽ giải đáp thông tin giúp bạn!
Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước. Vì vậy, bất cứ trẻ nhỏ nào cũng cần được gia đình và mọi người xung quanh yêu thương, quan tâm. Nhìn thấy con cái khoẻ mạnh, chăm ngoan thì chắc hẳn đều là mong muốn của mọi cha mẹ. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn có một cơ thể khỏe mạnh sau khi sinh ra.
Trong số đó, suy giảm thính lực bẩm sinh ở trẻ là một trong những bệnh không phải hiếm để rồi rất ảnh hưởng đến cuộc sống và cả tương lai về sau. Tuy nhiên, gia đình không nên quá lo lắng bởi nếu có can thiệp sớm và đúng phương pháp thì thính lực của bé được cải thiện rất nhiều.
Suy giảm thính lực bẩm sinh là gì?
Suy giảm thính lực bẩm sinh hay điếc bẩm sinh (Tên tiếng anh: Congenital Hearing Loss[1]) là hiện tượng mà sau khi sinh ra, trẻ bị giảm thính lực. Thông thường, người ta thường gọi tình trạng này là điếc bẩm sinh bởi cơ quan thính giác đã bị tổn thương từ ngày còn trong bào thai.
Hiện nay, suy giảm thính lực bẩm sinh nhìn chung sẽ biểu hiện ở trẻ sau khi sinh ra. Quả thực, điều này để lại rất nhiều hệ quả không chỉ ở hiện tại và còn ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai. Bởi lẽ, trẻ khi bị mắc bệnh này không những hạn chế khả năng phát triển ngôn ngữ mà còn tác động đến trí tuệ, tính cách của trẻ.
Vì vậy, việc gia đình phát hiện sớm và có những biện pháp can thiệp sớm thì sẽ có lợi rất nhiều đến sự phát triển của trẻ, giúp trẻ có thể nghe, nói bình thường đồng thời góp phần phát triển tư duy của trẻ, hoà nhập với bạn bè và mọi người.
Nguyên nhân
Suy giảm thính lực bẩm sinh xảy ra với trẻ ngay khi vừa sinh ra. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Đây là những nguyên nhân chính:
- Người mẹ trong quá trình mang thai mắc phải các bệnh nhiễm khuẩn như cúm, sởi, giang mai, …
- Trong quá trình thai phát triển, bào thai bị nhiễm độc các loại thuốc như streptomycin, kanamycin, quinin, maxiton…, nhiễm các hoá chất độc hại hay các chất phóng xạ
- Mẹ không cung cấp đủ các loại vitamin, đặc biệt là vitamin B, thiếu i-ốt, …
- Xảy ra tình trạng đột biến gen hay thoái hoá tinh thần bởi nhiều lý do khác như: cha mẹ uống và nghiện rượu hay cha mẹ có cùng huyết thống, …
Cần lưu ý rằng, trong tháng thứ 4 và 4 của thai kỳ là thời gian dễ gây nên các dị tật cho cơ quan thính giác. Vì vậy, hãy luôn quan tâm và để ý cho sức khỏe của mẹ và bé.
Dấu hiệu trẻ bị suy giảm thính lực bẩm sinh
Với một đứa trẻ sơ sinh bình thường, cơ quan thính giác đã khá hoàn thiện khi bé được 3 tháng tuổi. Lúc này, bé đã có thể nghe được hết các âm thanh hằng ngày. Nếu trẻ nhà bạn đang có một trong những dấu hiệu sau đây, hãy nhanh chóng đưa bé đi khám để có những phương pháp điều trị kịp thời nhé
- Bé không cảm nhận được những âm thanh lớn xung quanh
- Bé không có dấu hiệu phản hồi lại trước những âm thanh của nhạc, giọng nói ba mẹ và những người xung quanh
- Bé không thức giấc trong khi ngủ khi có giọng nói hay tiếng động xung quanh
- Bé không bập bẹ nói được “ohh” khi đã được 2 tháng tuổi
Chung quy lại, những bé không bao giờ phản ứng lại trước những tiếng động, tiếng gọi hay âm thanh xung quanh trong khi đã được 2-3 tháng tuổi thì rất có thể bé đang bị mắc suy giảm thính lực bẩm sinh, nên ba mẹ hãy chú ý đến các bé và đưa bé gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và hỗ trợ nhé.
Ngoài ra, ở những độ tuổi lớn hơn thì bé sẽ có những dấu hiệu rõ ràng hơn để bố mẹ nhận biết. Đừng bao giờ chủ quan trước những dấu hiệu dù là rất nhỏ.
Nguy hại đối với sự phát triển của trẻ
Thính giác là một trong những yếu tố quan trọng nhất tác động đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ nhỏ. Chính vì vậy, các bé bị suy giảm thính lực bẩm sinh cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Có thể nói, bệnh này tác động không hề nhỏ đến sự phát triển của bé, chưa kể còn ảnh hưởng rất lớn đến tương lai về sau.
Thứ nhất, ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ. Bé khó nghe, thậm chí là không thể nghe được những âm thanh xung quanh nên không thể biết được những gì đang diễn ra xung quanh. Theo đó, khả năng ngôn ngữ của bé cũng bị ảnh hưởng theo. Có rất nhiều trường hợp trẻ bị suy giảm bẩm sinh nên cũng không nói và giao tiếp được.
Thứ hai, ảnh hưởng đến tính cách, tư duy. Trẻ em ngay từ lúc nhỏ đã cần được gia đình dạy bảo, thầy cô hướng dẫn. Khi bị suy giảm thính lực đồng nghĩa với việc bé không thể tiếp thu được những lời dạy dỗ đó, mà chỉ thấy được những thứ diễn ra xung quanh một cách vô hồn. Điều đó tác động rất lớn đến khả năng tư duy cũng như nhận thức của trẻ.
Thứ ba, ảnh hưởng đến sự phát triển tương lai sau này. Bên cạnh các vấn đề về sức khỏe, nếu bị suy giảm thính lực bẩm sinh mà không phát hiện và điều trị kịp thời, lâu ngày bé sẽ trở nên hoặc là quá tăng động hoặc là quá thu mình, rất khó để hòa nhập với mọi người.
Cách phát hiện sớm suy giảm thính lực bẩm sinh?
Việc phát hiện sớm tình trạng suy giảm thính lực bẩm sinh ở trẻ rất quan trọng, từ đó gia đình và bác sĩ có thể can thiệp sớm những phương pháp điều trị, vừa đem lại hiệu quả hơn vừa tiết kiệm nhiều chi phí. Bởi để lâu tình trạng sẽ càng nghiêm trọng dẫn đến việc khó điều trị và tốn nhiều tiền hơn.
Hiện nay, để phát hiện suy giảm thính lực bẩm sinh ở trẻ, người ta thường sử dụng cách đánh giá khả năng nghe. Tuỳ vào từng độ tuổi khác nhau sẽ có cách đánh giá phù hợp. Với phương pháp này, không được để trẻ nhìn thấy.
Đối với các trẻ, bình thường từ sau 2-3 ngày sinh đã bắt đầu có những phản xạ lại với các tiếng động như: đang ngủ thì thức giấc, giật mình, hay cử động các tay, chân.
Đối với trẻ từ vài tháng đến 1 năm tuổi
Các bé sẽ thường bị thu hút bởi âm thanh phát ra từ các loại đồ chơi như lục lạc, chuông hay còi, … Vì vậy, hãy thử sử dụng các vật này để kiểm tra khả năng nghe của bé. Ngoài ra, trẻ cũng hay giật mình hơn các đối tượng khác, nhất là trước những âm thanh từ sấm, còi xe ô tô, ….
Đối với trẻ từ 1-3 năm tuổi
Lúc này, trẻ đã bắt đầu nói được bập bẹ và có xu hướng nói theo ba mẹ. Lâu dần, vốn từ của bé sẽ nhiều hơn và có thể nói được các câu đơn giản. Đối với các trẻ bị suy giảm thính lực bẩm sinh thì rất khó để nghe nên hay bị nói ngọng hay chậm nói.
Trẻ tuy có thể phát âm được các nguyên âm như a,e,o, … nhưng rất khó để nói thành chữ, thành câu. Và với những trường hợp trên, các bé chỉ phản ứng nhưng phản ứng rất chậm trước những âm thanh có cường độ lớn.
Đối với trẻ trên 3 năm tuổi
Ở độ tuổi này, nhiều trẻ bình thường đã nói rất nhiều, thậm chí có thể nói những câu rất phức tạp. Tuy nhiên, khi trẻ bị suy giảm thính lực bẩm sinh, bên cạnh việc nói ngọng, chỉ nói được một vài âm tiết, chậm nói, … như các dấu hiệu kể trên thì bé cũng rất chậm chạp và có xu hướng tránh những sinh hoạt tập thể.
Thông thường, trẻ em rất thích vui chơi, kết bạn, nhưng nếu trẻ lại không muốn tiếp xúc, nói chuyện cùng các bạn hay thường xuyên có những phản ứng quá khích thì rất có thể bé mắc bệnh.
Cách Đo sức nghe cho trẻ? Chỉ số thính lực bình thường
Đo sức nghe đơn giản tại nhà
Đo sức nghe cho trẻ là một trong những biện pháp được nhiều gia đình sử dụng nhằm để đánh giá một cách tổng quan sức nghe của trẻ, từ đó có phát hiện và phương pháp điều trị phù hợp. Với phương pháp này, bố mẹ là những người tiếp xúc hằng ngày với trẻ nên có thể theo dõi được tình trạng cụ thể của trẻ như thế nào.
Với những âm thanh có cường độ lớn, cơ thể trẻ sẽ có những phản xạ khác nhau tùy theo từng trường hợp, cụ thể:
- Phản xạ nghe và chớp mắt: trẻ nghe được thì sẽ có dấu hiệu chớp mắt
- Phản xạ nghe và thức giấc: trẻ thức giấc khi có các tiếng động xảy ra xung quanh
- Phản xạ nghe và cử động: khi ngủ mà xuất hiện các tiếng động mạnh, trẻ sẽ bị giật mình và có xu hướng co tay, chân, thậm chí cả toàn thân
- Phản xạ nghe và quay đầu: đối với những trẻ trên 6 tháng, khi nghe được các tiếng động mạnh, trẻ sẽ có xu hướng quay đầu nhìn về phía phát ra tiếng động.
Lưu ý: Các mẹ nên kiểm tra phản xạ của trẻ từ ngày thứ 2 hoặc thứ 3 sau khi sinh, bởi lúc này là thời điểm thính lực rất nhạy cảm với các âm thanh. Việc khảo sát sẽ cho đến kết quả chính xác hơn.
Đo sức nghe bằng máy
Sau khi đo sức nghe của trẻ tại nhà mà cảm thấy trẻ có những dấu hiệu của suy giảm thính lực bẩm sinh, gia đình nên nhanh chóng đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và đo sức nghe bằng máy chuyên dụng.
- Đo sức nghe bằng máy với đồ chơi: được dùng cho trẻ nhỏ 3-5 tuổi.
- Đo sức nghe bằng máy thông thường: được dùng cho trẻ 6-10 tuổi.
Đo sức nghe khách quan
Hai phương pháp thường được dùng là đo phản xạ cơ bàn đạp và đo điện ốc tai.
Việc đo sức nghe bằng máy hoặc đo sức nghe khách quan được thực hiện tại các cơ sở chuyên khoa.
Cách đánh giá mức độ suy giảm thính lực khi không có phương tiện đo thính lực?
Có thể đánh giá mức độ giảm thính lực bằng các cách sau:
- Khả năng nghe bình thường: có thể nghe được âm thanh thường ở khoảng cách 5m
- Khả năng nghe kém nhẹ: có thể nghe được âm thanh thường ở khoảng cách từ 3m đến dưới 5m
- Khả năng nghe kém trung bình: có thể nghe được âm thanh thường ở khoảng cách từ 1m đến dưới 3m
- Khả năng nghe kém: chỉ nghe được âm thanh lớn ở khoảng cách dưới 1m
- Điếc: chỉ nghe được âm thanh lớn khi ghé sát vào tai
- Điếc đặc: không nghe được
Cách Can thiệp sớm cho trẻ suy giảm thính lực bẩm sinh?
Cần can thiệp sớm suy giảm thính lực bẩm sinh, ngay khi trẻ được 1-2 năm tuổi. Với cách can thiệp này, bao gồm 2 phương pháp chính:
- Phục hồi chức năng nghe
- Giáo huấn nghe – nói
Phục hồi chức năng nghe
- Giúp cải thiện các bệnh lý bẩm sinh liên quan đến tai ngoài và tai giữa
- Đeo máy trợ thính cho các trẻ có khả năng nghe kém, không nghe được
- Tập cho trẻ nghe được các âm thanh to và đọc môi để bé bắt chước theo đối với những trẻ có khả năng nghe kém nhẹ hay nghe trung bình.
- Sử dụng phương pháp cấy điện cực ốc tai đối với những trẻ bị điếc hoặc điếc đặc
Giáo huấn nghe – nói
Phương pháp này rất cần sự quan tâm sát sao từ gia đình. Đây được xem là một trong những chuyên ngành quan trọng, cần sự tham gia của các chuyên ngành liên quan khác như giáo dục, y tế, …
Nội dung giáo huấn nghe – nói bao gồm các nội dung sau:
- Luyện nghe: theo các mức độ: lưu ý được âm thanh – nhận ra âm thanh – phân biệt âm thanh – hiểu được tiếng nói và phản hồi lại
- Luyện nói: Luyện nói có thể sau luyện nghe hoặc thực hiện song song, phối hợp với tác động vào tâm lý trẻ, thường xuyên khen trẻ nhằm tạo nhiều hứng thú.
Luyện nói cần lưu ý rằng:
- Phát âm chuẩn, đúng
- Dùng từ ngữ thích hợp, dễ hiểu và nói đủ
- Kết hợp sử dụng thị giác và xúc giác
Huấn luyện cách thể hiện ngôn ngữ khác
Trong trường hợp không thể sử dụng phương pháp luyện nghe, luyện nói như ở trên, đặc biệt đối với các trẻ bị điếc hay điếc đặc thì có thể sử dụng sự cử động của các ngón tay, tay hay điệu bộ để thể hiện ngôn ngữ.
Cách bố trí lớp học và trường học cho trẻ bị suy giảm thính lực
Trong trường hợp các trẻ có khả năng nghe kém, trung bình và nặng thì có thể cho trẻ đeo máy trợ thính, nên cho trẻ học ở các lớp học và trường học bình thường, nên ngồi gần giáo viên, kết hợp với các buổi kèm riêng để được giáo huấn nghe – nói, giúp bé phát triển khả năng nghe tốt hơn.
Trong trường hợp trẻ điếc hay điếc đặc thì bố trí lớp học riêng để được giáo huấn nghe – nói đồng thời cho trẻ tham gia nhiều buổi sinh hoạt với các trẻ khác để hòa nhập với bạn bè, cũng là cách giúp trẻ cải thiện được khả năng nghe của mình.
Cách phòng suy giảm thính lực bẩm sinh?
Để phòng suy giảm thính lực bẩm sinh ở trẻ, các ba mẹ cần lưu ý:
- Cẩn thận và đề phòng các bệnh viêm nhiễm như cúm, sởi,… đặc biệt đối với các phụ nữ đang trong thời gian mang thai
- Hạn chế bia rượu, không sử dụng các chất có cồn rất ảnh hưởng đến thai nhi
- Không đi đến hôn nhân với người cùng huyết thống
- Tránh các chất có thể gây ảnh hưởng đến cơ quan thính giác như thuốc streptomycin, kanamycin, quinin, maxiton, các hóa chất, … nhất là đối với phụ nữ mang thai nên thật cẩn thận và chú ý vấn đề này.
- Khám thai định kỳ và thường xuyên để có thể được tư vấn tốt hơn.
- Tư vấn di truyền: Đánh giá nguy cơ truyền bệnh di truyền từ bố/mẹ sang thế hệ sau.
- Xét nghiệm Sàng lọc người mang gen lặn xem bố mẹ có mang gen có thể di truyền bệnh cho con hay không.
Hỏi-đáp
Trên đây là toàn bộ bài viết liên quan đến suy giảm thính lực bẩm sinh ở trẻ. CHEK Genomics hi vọng qua đây các ba mẹ sẽ trang bị cho mình thêm nhiều kiến thức để chăm sóc các bé tốt hơn, nhất là các dị tật bẩm sinh ở trẻ. Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài.