Rối loạn chu trình chuyển hóa Ure bẩm sinh là một loại bệnh thuộc vào nhóm hiếm gặp ở trẻ em. Tuy nhiên nếu rối loạn này không được phát hiện sớm và có biện pháp chữa trị kịp thời sẽ dẫn tới nhiều biến chứng khá nghiêm trọng, gây tốn kém và thậm chí là tử vong. Vậy rối loạn chu trình chuyển hóa Ure bẩm sinh là gì? Khi nào nên đưa trẻ đi khám, triệu chứng bệnh ra sao? Phương pháp điều trị bệnh là gì? Hãy cùng tìm hiểu ngay!
Rối loạn chu trình chuyển hóa Ure bẩm sinh là gì?
Chu trình chuyển hóa Ure hoạt động với mục đích chính là chuyển hóa nitơ thành urê. Hay nói cách khác đó là sự chuyển đổi sản phẩm thải từ quá trình trao đổi chất hay khẩu phần ăn hàng ngày thành urê. Đối với một người phát triển bình thường, urê được bài trừ qua nước tiểu. Nhưng đối với các bệnh nhân mắc chứng rối loạn chu trình chuyển hóa Ure bẩm sinh, nitơ không được chuyển hoá được mà bị tích tụ lại và dần trở thành chất độc đối với cơ thể.
Theo ước tính, tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc phải triệu chứng rối loạn chu trình chuyển hóa Ure chỉ khoảng 1/25.000-1/30.000. Tỷ lệ mắc bệnh rất thấp. Tuy nhiên, sự rối loạn chuyển hoá này nếu chẳng may mắc phải và không được chữa trị kịp thời sẽ để lại nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là đối với hệ thần kinh.
Hiện nay, bệnh rối loạn chu trình chuyển hóa Ure chưa có phương pháp đặc trị. Dù vậy, các chuyên gia, bác sĩ cũng đang nỗ lực cải thiện tình trạng của những bệnh nhân này bằng nhiều hình thức như giảm nồng độ Nitơ trong huyết thanh, giảm lượng tiêu thụ các thực phẩm có chứa Nitơ trong khẩu phần ăn,….
Triệu chứng
Ở từng giai đoạn bệnh phát triển, triệu chứng của rối loạn chu trình chuyển hóa Ure bẩm sinh lại khác nhau. Sự thiếu hụt enzyme và mức độ thiếu hụt sẽ khiến bệnh xuất hiện ngay sau khi trẻ vừa sinh ra hoặc khi trẻ đã đến độ tuổi niên thiếu. Thậm chí có người khi trưởng thành mới bắt đầu xuất hiện các triệu chứng rối loạn.
Giai đoạn sơ sinh khởi phát
Các biểu hiện của chứng rối loạn chu trình chuyển hóa Ure bẩm sinh trong giai đoạn sơ sinh khởi phát thường có nguyên nhân chủ yếu là do những khiếm khuyết nghiêm trọng trong chu trình Urê. Trẻ em mắc bệnh thiếu hụt enzyme OTC[1] có nguy cơ mắc phải bệnh di truyền liên kết với nhiễm sắc thể (NST) giới tính X ở giai đoạn sơ sinh khởi phát của chứng rối loạn, đặc biệt là các trẻ em nam.
Các triệu chứng của bệnh ở giai đoạn này còn chưa rõ ràng, rất dễ bị nhầm lẫn với một số biểu hiện của các bệnh khác. Trẻ khi mới sinh mắc rối loạn chuyển hóa Ure đa phần không có gì khác biệt so với người bình thường. Chỉ khi các amoniac bị tích tụ dần trong cơ thể, sức khỏe mới bắt đầu chuyển biến xấu đi.
Khoảng 48 đến 72 giờ sau khi sinh, những dấu hiệu đầu tiên của bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện. Có trẻ lại biểu hiện sau đó 1-2 tuần. Các triệu chứng thường gặp là:
- Nhiễm trùng sơ sinh, giảm oxy sau sinh.
- Bú kém hoặc bỏ bú.
- Thường khá quấy, chỉ ngủ mơ màng hoặc ngủ li bì.
- Nôn mửa.
- Suy hô hấp, hôn mê.
- Lên cơn co giật, cơ bắp yếu.
Nồng độ amoniac trong máu tăng quá cao làm cho hệ thần kinh và nhiều cơ quan trong cơ thể bị nhiễm độc. Nếu trẻ không được phát hiện bệnh và có các phương pháp kiểm soát, điều trị phù hợp sẽ dễ rơi vào tình trạng hôn mê, thậm chí là tử vong.
Giai đoạn khởi phát muộn
Ở giai đoạn khởi phát muộn, các enzyme trong chu trình chuyển hóa Ure vẫn còn hoạt động được một phần, lượng hoạt tính mất đi ít. Do đó, các triệu chứng cũng khác so với giai đoạn sơ sinh khởi phát. Thường các yếu tố bên ngoài môi trường, chế độ ăn uống, sinh hoạt, tác động từ quá trình sử dụng một số loại thuốc, hoá dược và sự suy giảm hoạt tính enzyme mới làm chứng rối loạn khởi phát.
Rối loạn chu trình chuyển hóa Ure bẩm sinh trong giai đoạn khởi phát muộn thường có biểu hiện là:
- Hiếu động, thường xuyên la hét, tự gây thương tích.
- Ăn ít thịt hay các thực phẩm giàu protein.
- Thường xuyên nôn mửa, đặc biệt sau khi ăn protein.
- Hôn mê thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.
Nguyên nhân rối loạn
Thông thường, Protein sau khi nạp vào cơ thể sẽ được phân giải thành axit amin. Các axit amin này đóng vai trò cung cấp năng lượng cho các hoạt động cần thiết của cơ thể. Chu trình chuyển hóa Ure với sự tham gia của các enzyme và cofactor thực hiện thải trừ nitơ ra khỏi máu, chuyển nitơ thành Ure và bài tiết dưới dạng nước tiểu qua thận.
Đối với những bệnh nhân mắc chứng rối loạn chu trình chuyển hóa Ure bẩm sinh, các phản ứng trong chu trình này không được diễn ra hoàn toàn do thiếu hụt enzym tham gia. Từ đó, dẫn đến tình trạng tích tụ Amoniac. Lâu ngày, nồng độ NH4 tích tụ quá cao sẽ gây đầu độc hệ thần kinh và nhiều bộ phận khác trong cơ thể.
Chẩn đoán và điều trị
Sàng lọc, chẩn đoán rối loạn chu trình chuyển hóa Ure bẩm sinh
Tình trạng rối loạn chu trình chuyển hóa Ure bẩm sinh nếu không được chẩn đoán, sàng lọc và phát hiện sớm để tiến hành điều trị thì sẽ để lại nhiều biến chứng và cực nguy hiểm với người bệnh. Sàng lọc bệnh chính việc phát hiện các chất liên quan đến chu trình Urê có trong máu.
Hiện nay, các bác sĩ thường sử dụng hệ thống khối phổ MS-MS để tiến hành sàng lọc sơ sinh cho các bệnh như thiếu hụt enzyme arginase (ARG), Argininosuccinate lyase (ASA), CPS, citrullinemia loại I (CITI), hội chứng HHH.
Các bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh rối loạn chu trình chuyển hóa sẽ được thực hiện xét nghiệm xác định nồng độ amoniac và lượng axit amin có trong máu đầu tiên. Ngoài ra, việc chẩn đoán còn được tiến hành dựa trên một số xét nghiệm khác như:
- Xét nghiệm và phân tích nước tiểu để phát hiện các chất chuyển hóa bất thường.
- Kiểm tra hàm lượng enzyme sụt giảm qua việc thực hiện sinh thiết gan.
- Xét nghiệm di truyền để phát hiện gen bệnh.
- Xét nghiệm nhi khoa
Hiện nay, các mẹ bầu trước khi sinh cũng nên tiến hành xét nghiệm nhằm xác định các chất tích tụ trong dịch ối như ASA trong bệnh ASL. Hay phân tích enzyme trong tế bào lông nhung màng đệm, tế bào máu thai nhi và xét nghiệm ADN tự do của thai nhi có trong máu mẹ.
Điều trị rối loạn chuyển hóa ure bẩm sinh
Tình trạng rối loạn chu trình chuyển hóa Ure bẩm sinh hiện nay chưa có phương pháp điều trị dứt điểm hoàn toàn. Mục đích chính của các biện pháp chữa trị là làm giảm nồng độ Nitơ trong máu, giảm việc hấp thụ Nitơ. Các cách chữa trị bệnh dài hạn cho bệnh nhân tham khảo là:
- Sử dụng các loại thuốc hoặc tiến hành lọc máu để làm giảm lượng amoniac trong máu.
- Xây dựng chế độ ăn hạn chế protein, bổ sung thực phẩm chứa nhiều axit amin cùng vitamin, khoáng chất để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Lưu ý cần duy trì khẩn phần ăn phù hợp với thể trạng bệnh nhân và loại enzyme bệnh nhân đang thiếu hụt.
- Sử dụng thuốc thải độc Nito.
- Ức chế hoạt động của các hormon insulin.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để đảm bảo lượng protein hấp thụ không quá cao, nằm trong khả năng kiểm soát.
- Xét nghiệm để kiểm tra các chỉ số sinh hoá như nồng độ amoniac trong huyết tương, định lượng amino axit, men gan và tổng hàm lượng protein, albumin, prealbumin và sắt.
- Thực hiện các đánh giá lâm sang về cân nặng, chiều cao, chu vi vòng đầu ở trẻ sơ sinh, tóc, da, móng, kích thước gan,…
- Trẻ 1 tuổi cần thực hiện các đánh giá bệnh học thần kinh.
Rối loạn chu trình chuyển hóa Ure bẩm sinh tuy ít gặp nhưng lại là căn bệnh thực sự nguy hiểm với nhiều trẻ nhỏ. Triệu chứng của bệnh lại rất dễ bị nhầm lẫn với nhiều căn bệnh khác. Vì vậy, đừng ngần ngại đưa trẻ tới các bác sĩ để được thăm khám kịp thời ngay khi bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu của bệnh.
CHEK Genomics chúc bạn và gia đình luôn mạnh khoẻ!
Nguồn tham khảo:
- https://www.webmd.com/children/urea-cycle-disorders
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482363/
- https://www.msdmanuals.com/professional/pediatrics/inherited-disorders-of-metabolism/urea-cycle-disorders