Gen TP53 là loại gen ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển của các tế bào ung thư. Đột biến gen TP53 là nguyên nhân gây ra rất nhiều loại ung thư nguy hiểm như ung thư vú, ung thư phổi, ung thư bàng quang, ung thư buồng trứng,….Vậy gen TP53 là gì? Có chức năng ra sao và gây ra các loại ung thư như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây ngay nhé!
Gen TP53 là gì? Tên gọi khác là gì?
TP53 là loại gen nằm trên nhiễm sắc thể số 17, chịu trách nhiệm cho việc sản xuất ra các protein khối u p53. Các protein này ra đời với mục đích giám sát quá trình phát triển của các tế bào. Giữ cho các tế bào hỏng không phát triển quá nhanh hay nằm ngoài tầm kiểm soát. Hay nói cách khác, các protein do gen TP53 sản xuất là một chất ức chế khối u.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đột biến gen TP53 thường gặp trong các bệnh nhân ung thư. Khi đột biến này kết hợp với đột biến gen EGFR, ALK hoặc ROS1 sẽ khiến cho thời gian sống sót của người bệnh ngắn hơn. Cả người bệnh hút thuốc và người bệnh không hút thuốc đều có nguy cơ mắc phải tình trạng đột biến TP53.
Hiện nay chưa có phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm đột biến TP53. Do đó, việc định kỳ kiểm tra đột biến gen TP53 tại các bệnh nhân ung thư vẫn còn đang vấp phải nhiều sự tranh cãi.
Gen TP53 còn được biết tới với một số tên gọi khác như kháng nguyên NY-CO-13, P53, thuốc ức chế khối u P53, TRP53, Phosphoprotein p53, kháng nguyên khối u tế bào p53 hay Protein liên quan đến biến đổi 53, P53_HUMAN, Protein khối u p53 (hội chứng Li-Fraumeni),….
Chức năng chính là gì?
Chức năng của gen TP53 khác với các loại gen u hay gen ức chế u thường gặp. Gen TP53 kiểm tra và đảm bảo tính toàn vẹn của bộ gen. Đồng thời, chúng cũng giúp kiểm soát chu kì tế bào và apoptosis. Tình trạng rối loạn tăng sinh tế bào xảy ra do những bất thường xảy ra tại gene TP53. Từ đó, dẫn đến việc hình thành ung thư.
Protein p53 được nhiều người ví như là người giám hộ của bộ gen. TP53 có chức năng chính là phòng ngừa khối u phát triển. Đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc điều chỉnh quá trình sửa chữa ADN và phân chia tế bào.
Protein p53 có sự liên kết trực tiếp với ADN. Khi ADN bị tổn thương, TP53 sẽ kích hoạt các gen khác để tiến hành sửa chữa. Nếu ADN không sửa chữa được, gen TP53 sẽ tiến hành ngăn tế bào phân chia và khởi động quá trình apoptosis.
Gen TP53 gây ra những ung thư nào?
Đột biến gen TP53 làm mất kiểm soát quá trình sinh trưởng, phân chia của các tế bào dẫn tới việc hình thành rất nhiều các loại ung thư khác nhau. Thường xuất hiện nhiều ở một số loại ung thư như:
Ung thư phổi
Theo thống kê, hơn 50% ca mắc ung thư phổi đều có hiện tượng đột biến gen TP53. Dựa vào kích thước của tế bào gây bệnh, ung thư phổi được chia thành ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Đột biến gen TP53 làm cho chức năng của các protein p53 bị suy giảm, quá trình sinh trưởng tế bào không được kiểm soát. Từ đó dẫn tới việc tích tụ các ADN tổn thương trong tế bào.
Việc các tế bào đột biến phân chia không kiểm soát trong một thời gian dài sẽ làm xuất hiện các khối u ác tính. Thông thường, bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn đầu không thấy được rõ các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh.
Ung thư vú
Tỷ lệ các ca mắc ung thư vú có chứa đột biến gen Tp53 là khoảng dưới 40%. Những thay đổi di truyền trên gene TP53 làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú. Khi đột biến không di truyền trên gen TP53 xảy ra, các axit amin trong protein p53 sẽ thay đổi, từ đó làm giảm hoặc mất đi chức năng ức chế khối u. Các tế bào tiếp tục phân chia mất kiểm soát sẽ dẫn đến khối u ác tính hình thành.
Xem thêm Biểu hiện Ung thư vú giai đoạn đầu là gì? Cách điều trị như thế nào?
Ung thư bàng quang
Tuỳ thuộc vào vị trí của khối u ác tính trên bàng quang, người ta chia ung thư bàng quang thành hai loại chính là ung thư bàng quang không xâm lấn cơ và ung thư bàng quang xâm lấn cơ. Tiểu ra máu, đi tiểu nhiều lần hay đau thắt lưng là những biểu hiện thường thấy ở bệnh ung thư bàng quang.
Đột biến gen TP53 làm cho các tế bào trong bàng quang phát triển và nhân lên không kiểm soát, gây ung thư bàng quang. Tỷ lệ mắc đột biến gene TP53 tại các ca ung thư bàng quang là khoảng 50%.
Ung thư buồng trứng
Gần một nửa số ca mắc ung thư buồng trứng gặp phải tình trạng đột biến gen TP53. Giống như các loại ung thư khác, khối u ác tính trong buồng trứng được hình thành do hậu quả từ việc phân chia mất kiểm soát của các tế bào đột biến và tình trạng tổn thương ADN có thể tích tụ trong tế bào.
Những đột biến gen TP53 trong ung thư buồng trứng có thể tạo ra loại protein p53 làm suy giảm khả năng kiểm soát quá trình sinh trưởng, phát triển của tế bào, ảnh hưởng đến tình trạng bệnh nhân.
Hội chứng Li-Fraumeni
Không chỉ các loại ung thư gặp phải tình trạng đột biến gen TP53, hội chứng ung thư cũng có thể liên quan đến đột biến này. Hội chứng ung thư đầu tiên có liên quan đến đột biến TP53 là Li-Fraumeni. Khoảng 140 đột biến gen TP53 các loại đã được xác định trên những bệnh nhân mắc hội chứng Li-Fraumeni.
Các đột biến có biểu hiện khác nhau nhưng nhìn chung đều làm gia tăng đáng kể nguy cơ phát triển của ung thư vú, ung thư xương và một số loại ung thư khác.
Một số đột biến xoá mất một đoạn nhỏ ADN khỏi gen, số khác làm thay đổi axit amin của protein p53. Nhưng nhìn chung các tế bào đột biến đều phân chia, phát triển không thể kiểm soát và dẫn tới hình thành các khối u ác tính, gây nên ung thư.
Một số loại ung thư khác
Gần 50% số ca mắc ung thư gặp phải tình trạng đột biến gen TP53. Bên cạnh những loại ung thư trên, đột biến gene TP53 còn phá huỷ việc kiểm soát quá trình tăng trưởng tế bào ở một số loại ung thư khác như ung thư đường mật, ung thư tế bào vảy, ung thư gan, ung thư não, ung thư hắc tố, ung thư xương hay ung thư đại trực tràng, khối u Wilms,….
Cơ chế hoạt động của tình trạng đột biến gen TP53 gây ung thư đa số là tương tự nhau. Tùy thuộc vào loại ung thư mà người bệnh mắc phải mà chúng mang lại những triệu chứng, biểu hiện và độ nguy hiểm khác nhau.
Nguồn tham khảo
1. Genetic Testing Information. TP53 tumor protein p53 [ Homo sapiens (human) ]. Retrieved May 10, 2021. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/gene/7157
2. Catalog of Genes and Diseases from OMIM. TUMOR PROTEIN p53; TP53. Retrieved May 10, 2021. Link: https://omim.org/entry/191170
3. U.S National Library of Medicine. TP53 gene. Retrieved May 10, 2021. Link: https://medlineplus.gov/genetics/gene/tp53/
4. Olivier M, Hollstein M, Hainaut P. TP53 mutations in human cancers: origins, consequences, and clinical use. Cold Spring Harb Perspect Biol. 2010 Jan;2(1):a001008. doi: 10.1101/cshperspect.a001008. Review. Citation on PubMed or Free article on PubMed Central.
5. Masciari S, Dillon DA, Rath M, Robson M, Weitzel JN, Balmana J, Gruber SB, Ford JM, Euhus D, Lebensohn A, Telli M, Pochebit SM, Lypas G, Garber JE. Breast cancer phenotype in women with TP53 germline mutations: a Li-Fraumeni syndrome consortium effort. Breast Cancer Res Treat. 2012 Jun;133(3):1125-30. doi: 10.1007/s10549-012-1993-9. Epub 2012 Mar 4. Citation on PubMed or Free article on PubMed Central.