Dinh dưỡng trong điều trị ung thư vú để giúp kéo dài và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân? Quá trình cung cấp và chuyển hóa dinh dưỡng trong cơ thể của người bệnh gặp rất nhiều ảnh hưởng không tốt từ các hoạt động xạ trị, hóa trị,…. hay nhiều phương pháp điều trị ung thư khác. Do đó, việc xây dựng cũng như duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm đảm bảo sức khỏe và tạo điều kiện điều trị tốt hơn là việc vô cùng quan trọng với các bệnh nhân ung thư vú.
Nguyên tắc dinh dưỡng trong điều trị ung thư vú
Quá trình kéo dài sự sống và cải thiện chất lượng sống của các bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng chịu tác động rất lớn từ quá trình thu nạp các chất dinh dưỡng. Có khoảng 20% bệnh nhân ung thư qua đời do suy dinh dưỡng nặng và khoảng 80% bệnh nhân bị sụt cân và không được cung cấp, hấp thụ đầy đủ dưỡng chất.
Vì có vai trò quan trọng như vậy nên việc cung cấp các chất dinh dưỡng trong điều trị ung thư vú cũng cần tuân thủ theo các nguyên tắc theo khuyến cáo từ các bác sĩ và chuyên gia như sau:
- Đảm bảo cung cấp đầy đủ chất xơ, Canxi và các chất vitamin như vitamin D3,…. trong mỗi bữa ăn hàng ngày.
- Lượng glucid không được vượt quá 60-70% tổng năng lượng.
- Hàm lượng protein nạp vào cơ thể lý tưởng là khoảng 12-20% tổng năng lượng. Đối với các loại protein động vật, tỷ lệ này chiếm khoảng 30-50%.
- Ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm giàu chất béo Omega 3. Hàm lượng Lipid trên tổng năng lượng nên duy trì ở mức 18-25%.
- Năng lượng: 25 – 30 Kcal/kg cân nặng lý tưởng/ngày.
Dinh dưỡng hỗ trợ cho bệnh nhân điều trị ung thư vú
Các nguyên tắc về việc cung cấp dinh dưỡng trong điều trị ung thư vú cần được tuân thủ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, để người bệnh tránh được tình trạng chán ăn, ăn ngon miệng hơn và có thể thay đổi khẩu vị mà không ảnh hưởng đến sức khỏe thì bạn có thể tham khảo một số lời khuyên mà CHEK Genomics đã tổng hợp từ các vị chuyên gia dinh dưỡng như sau:
Thực phẩm nên dùng
Đối với những bệnh nhân đang điều trị ung thư vú, đặc biệt là những người bệnh phải thực hiện hóa trị liệu thì nên sử dụng thường xuyên các loại thực phẩm sau:
- Các loại tinh bột như gạo, bún, khoai củ, bánh phở,… có chứa nhiều glucid.
- Các loại thịt ít mỡ, trứng, sữa hay cá, tôm có chứa nhiều protein tốt cho cơ thể.
- Nên ăn nhiều rau xanh, các loại rau củ giàu chất xơ, quả chín, các loại rau họ cải như cải bắp, súp lơ, cải thìa,…. Trung bình mỗi ngày người bệnh cần ăn khoảng 200-400g các loại hoa quả, đặc biệt là quả chín và khoảng 400-500g rau xanh.
- Ưu tiên sử dụng các loại dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu vừng hay dầu lạc,….
- Bổ sung cá hồi, dầu ô liu hay các loại thực phẩm chứa nhiều Omega – 3 vào bữa ăn hàng ngày.
- Ăn nhiều rau muống, cà rốt, cà chua hay các loại thực phẩm tương tự chứa nhiều vitamin A, vitamin E, vitamin C hoặc Selen có tác dụng chống oxy hóa.
Thực phẩm nên hạn chế dùng
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều những loại thực phẩm tuy chứa nhiều dưỡng chất nhưng nên hạn chế sử dụng cho các bệnh nhân đang điều trị ung thư vú như:
- Các món ăn nhiều dầu mỡ hoặc chứa nhiều acid béo no. Ví dụ như các món chiên rán, các món xào, quay, các món nướng hay hun khói,….
- Hạn chế dùng đồ ăn đóng hộp như thịt nguội, đồ ăn chế biến sẵn hay các thực phẩm chế biến công nghiệp,…
Thực phẩm không nên dùng
Một số loại thực phẩm bệnh nhân ung thư vú tuyệt đối không nên đưa vào cơ thể trong quá trình điều trị đó là:
- Những thực phẩm đã rán đi rán lại quá nhiều lần.
- Rượu, bia, thuốc lá, các loại đồ uống có cồn và cafein hay các chất kích thích,…
- Các loại nước ngọt đóng chai, chứa nhiều đường hóa học và phẩm màu.
- Các loại thức ăn đã bị nấm mốc hay các loại thực phẩm lên men như dưa chua,…
- Không nên ăn đồ sống và các loại sữa chua chưa được tiệt trùng.
Một số cách bổ sung dinh dưỡng trong điều trị ung thư vú phù hợp
Đối với bệnh nhân đang gặp phải tình trạng chán ăn
Các bệnh nhân chán ăn nhưng vẫn muốn hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể nên:
- Ăn các thực phẩm chứa nhiều protein và calo nhất vào bữa ăn khi có cảm giác thèm ăn.
- Luôn dự trù một lượng nhỏ thức ăn yêu thích để ăn khi đói và chia nhiều bữa nhỏ để ăn, bổ sung ăn nhẹ trong ngày.
- Thường xuyên đánh răng, súc miệng nhằm giảm bớt các triệu chứng khó chịu.
- Nếu bạn không muốn ăn thức ăn thô, có thể thử các loại nước ép, sữa hay súp.
- Đừng quên duy trì vận động cơ thể đều đặn.
Đối với các bệnh nhân có triệu chứng buồn nôn
Một số cách duy trì dinh dưỡng trong điều trị ung thư vú với những bệnh nhân có triệu chứng buồn nôn là:
- Không nên gượng ép bản thân tiếp tục nạp đồ ăn vào cơ thể khi buồn nôn, ưu tiên những món bạn thấy hướng dẫn.
- Không nên ăn đồ cứng, mặn và khó tiêu hóa.
- Nếu thường xuyên bị buồn nôn vào buổi sáng, có thể thử ăn bánh mì nướng hay bánh quy giòn trước khi rời giường.
- Súc miệng đều đặn trước và sau ăn, uống nước ấm và tránh nước có mùi mạnh.
- Để tránh cảm giác đầy hơi hoặc no, nên chia bữa chính thành nhiều bữa nhỏ.
- Nếu miệng có quá nhiều mùi vị khó chịu, có thể thử ngậm kẹo vị chanh hoặc tiêu.
- Nếu diễn biến bệnh quá phức tạp, có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ với việc dùng thuốc chống buồn nôn.
Đối với bệnh nhân bị nôn mửa
Để kiểm soát tình trạng bị nôn mửa, người bệnh có thể thực hiện một số phương pháp sau:
- Trước khi dừng nôn, không nên nạp thêm bất cứ thứ gì vào cơ thể.
- Thử dùng súp hoặc sữa nếu có thể uống nước lọc mà không bị nôn mửa.
- Sau khi nôn, nên dùng nước ấm, ngồi thẳng lưng và hơi gập người về phía trước để ngăn chặn tình trạng bị nôn mửa tái diễn.
Đối với bệnh nhân mắc chứng khô miệng, loét miệng
Bệnh nhân bị khô hay loét miệng có thể thực hiện một số mẹo sau:
- Ưu tiên các loại thức ăn dễ nuốt, làm ẩm thức ăn bằng các loại nước xốt.
- Nhai kẹo cao su hoặc ngậm kẹo/đá,… nhằm thúc đẩy việc tiết nước bọt.
- Không nên sử dụng các loại nước súc miệng có chứa cồn, nên súc miệng nước muối ấm.
- Tránh dùng đồ ăn quá cay, mặn hoặc chua.
Đối với bệnh nhân thay đổi vị giác
Những cách sau đây có thể có ích với các bệnh nhân bị thay đổi vị giác:
- Thử ăn thực phẩm có vị chua.
- Hạn chế ăn chất béo và thịt đỏ.
- Nếu miệng có vị đắng hoặc vị kim loại, có thể dùng chanh không đường hoặc kẹo vị bạc hà.
- Nhai thức ăn lâu và kỹ hơn.
Đối với những bệnh nhân không thể hấp thụ lactose vào cơ thể
Nếu cơ thể không hấp thụ lactose vào cơ thể[1], người bệnh có thể:
- Ưu tiên các loại thức ăn không có lactose hoặc chứa ít lactose.
- Ăn nhiều rau xanh và thực phẩm có chứa canxi như bông cải xanh,…
- Thử sử dụng các loại thực phẩm làm từ gạo hoặc đậu nành như sữa gạo, sữa đậu nành,….
Tham khảo: Bệnh Galactosemia là gì? Nguyên nhân, Triệu chứng, Cách phòng và Điều trị
Đối với những bệnh nhân không thể ăn uống bằng miệng
Nếu không thể hấp thụ đồ ăn bằng đường miệng như bình thường, bệnh nhân ung thư vú có thể tham khảo một số phương thức sau:
- Đường uống: chất dinh dưỡng hoàn toàn có thể đưa vào cơ thể bằng đường uống. Các loại chất đạm, chất béo, vitamin, chất xơ và các khoáng chất khi được uống đầy đủ có thể cung cấp năng lượng cho bệnh nhân ngang bằng với việc tiếp nhận bằng đường miệng.
- Đường ruột: nếu không thể ăn cũng không thể uống, người bệnh có thể bổ sung dưỡng chất bằng các ống dẫn thức ăn vào ruột. Lúc này, các loại thực phẩm đã được chuyển hóa thành dạng lỏng như sữa và đưa vào ruột non, dạ dày bằng một ống dẫn.
- Đường tĩnh mạch: nếu không thể tiếp nhận thức ăn bằng đường ruột, các bác sĩ có thể đưa dưỡng chất vào cơ thể bằng đường tĩnh mạch. Các chất dinh dưỡng sẽ được đưa trực tiếp vào máu bằng ống thông. Thời gian nuôi dưỡng thường diễn ra khá dài.
Đối với những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối
Bệnh nhân ung thư vú giai đoạn cuối có thể gặp một loạt những triệu chứng không mong muốn như khô miệng, khó nuốt, buồn nôn hay chán ăn,…. Ở giai đoạn này, việc tiếp nhận đầy đủ dưỡng chất với người bệnh không quan trọng bằng việc làm giảm triệu chứng bệnh. Bệnh nhân thường xuyên cảm thấy chán ăn hoặc chỉ có thể ăn rất ít. Một số người còn gặp khó khăn khi nuốt và chỉ ăn được thức ăn lỏng.
Biện pháp tốt nhất dành cho người bệnh lúc này là thường xuyên uống nước, ngậm đá và chăm sóc răng miệng để giảm tình trạng khát hay khó chịu.
Tham khảo Các phương pháp Điều trị đích trong ung thư vú giai đoạn cuối
Gợi ý một vài thực đơn dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư vú
Để có được thực đơn dinh dưỡng trong điều trị ung thư vú phù hợp cần quan tâm tới rất nhiều vấn đề và quan trọng là phải tuân thủ theo các nguyên tắc đã được đặt ra. Sau đây là thực đơn của một bệnh nhân nữ ở tuổi 50 mà bạn có thể tham khảo. Người bệnh có cân nặng hiện tại là 55kg và mỗi ngày sẽ cần khoảng 1650 Kcal năng lượng.
Thực phẩm dùng trong một ngày
Trung bình một ngày người nữ bệnh nhân ung thư vú cần phải nạp vào cơ thể 1 lượng thức ăn bao gồm:
- 200gr gạo tẻ và 150 gram bún.
- 200 gram thịt nạc, cá và tôm.
- 400gram rau xanh và 300 gram quả chín
- 10ml dầu ăn.
- 200ml sữa công thức.
Thực phẩm thay thế
Nếu cảm thấy không phù hợp với các loại đồ ăn trong thực đơn kia, bệnh nhân có thể thay đổi khẩu vị bằng một số loại thực phẩm khác như:
- 100gr thịt bò/gà, 2 quả trứng, 200gr đậu phụ, 3 quả trứng gà có thể thay cho 100gram thịt lợn nạc.
- 100gr miến, bột mì, bánh quy, phở khô, bún khô mỗi loại, 170gr bánh mì, 300gr bún tươi, 250 gram phở tươi, 400gram khoai củ tương đương với 100gr gạo.
- 8gram lạc hạt hoặc vừng ngang với 1 thìa dầu ăn 5ml.
Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết, bệnh nhân ung thư và người nhà đã có thêm thông tin để xây dựng chế độ dinh dưỡng trong điều trị ung thư vú khoa học, hợp lý và đảm bảo hơn. Đừng quên tham khảo ý kiến của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng trước khi thu nạp bất cứ dưỡng chất nào vào cơ thể để đảm bảo sức khỏe tốt nhất nhé.
Theo dõi CHEK hàng ngày để cập nhật thêm nhiều kiến thức bổ ích.