Mối liên hệ giữa liệu pháp Điều trị trúng đích và Ung thư buồng trứng

Bạn có biết mối liên hệ giữa Liệu pháp điều trị trúng đích và Ung thư buồng trứng? Cùng CHEK Genomics tìm hiểu chi tiết trong bài viết ngay sau đây nhé.

điều trị trúng đích và ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến chỉ sau ung thư vú và ung thư cổ tử cung ở nữ giới. Bệnh không có triệu chứng rõ ràng nên rất khó nhận biết.

Theo ước tính, mỗi năm trên thế giới có khoảng 240.000 phụ nữ được chẩn đoán có u ác tính ở buồng trứng, gần 150.000 ca tử vong, riêng Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1.200 ca mắc mới. Có nhiều phương pháp điều trị ung thư buồng trứng, ngoài phẫu thuật, hóa trị liệu và xạ trị, điều trị căn bệnh này đã có nhiều bước tiến mới, trong đó đáng chú ý nhất là điều trị trúng đích.

Tổng quan về điều trị trúng đích và ung thư buồng trứng

Điều trị trúng đích là gì?

điều trị trúng đích

Liệu pháp điều trị trúng đích (Targeted therapy) là một trong những phương pháp điều trị ung thư, sử dụng thuốc (hoặc chất) tác động vào các phân tử đặc hiệu (gọi là các phân tử đích), gen hay protein chuyên biệt có ở tế bào ung thư liên quan đến sự phát triển khối u để ngăn chặn sự tăng sinh và lan rộng của khối u. Được các bác sĩ và bệnh nhân ung thư gọi là “thuốc đích” hay “điều trị  trúng đích”.

Liệu pháp này thường được phân thành hai nhóm chính:

  • Kháng thể đơn dòng (monoclonal antibodies) (thường có đuôi “-mab”): là loại thuốc liệu pháp điều trị trúng đích có khả năng ức chế các mạch máu nuôi khối u. Các kháng thể đơn dòng thường được tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da.
  • Thuốc phân tử nhỏ (small molecule medicines) (thường có đuôi “-ib”) : là loại thuốc liệu pháp điều trị trúng đích dùng trong điều trị ung thư máu

Một hình thức khác của liệu pháp này là việc sử dụng các enzyme ứng dụng công nghệ nano gắn vào các tế bào khối u, khởi phát quá trình thoái hóa tế bào tự nhiên của cơ thể, từ đó cơ thể có thể tiêu hóa, loại bỏ tế bào ung thư một cách hiệu quả.

Tới nay, nhiều loại thuốc trong nhóm liệu pháp điều trị trúng đích đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để sử dụng trong điều trị ung thư trong đó có ung thư buồng trứng.

Ung thư buồng trứng là gì?

ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng (tiếng Anh là Ovarian cancer) là tình trạng buồng trứng xuất hiện các tế bào bất thường, phát triển thành những khối u ác tính tấn công và xâm lấn, phá hủy các mô, cơ quan, bộ phận trong cơ thể. Nếu không điều trị kịp thời, tế bào ung thư sẽ xâm lấn đến xung quanh, làm mất chức năng sản xuất nội tiết tố, sản xuất tế bào trứng, mang thai của buồng trứng.

Ở giai đoạn nặng, tế bào ung thư có thể phát tán sang các bộ phận khác trên cơ thể (gọi là di căn).

Các khối u phát triển bên trong buồng trứng có rất nhiều loại. Các khối u lành tính chỉ là các khối u thường, bệnh nhân được điều trị dễ dàng hơn bằng cách phẫu thuật. Các thể khối u ác ở buồng trứng bao gồm:

  • Ung thư biểu mô buồng trứng: Là thể ung thư buồng trứng thường gặp nhất, các tế bào ung thư phát triển từ các tế bào có trên bề mặt buồng trứng.
  • Ung thư tế bào mầm: đây là loại ung thư khởi phát từ các tế bào sản xuất ra trứng.
  • Ung thư trung mô: Ung thư có nguồn gốc từ mô đệm sinh dục, ung thư bắt nguồn từ trung mô và các ung thư di căn đến buồng trứng.

Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến ung thư buồng trứng.

Những biểu hiện ban đầu của loại ung thư này là:

  • Cảm giác đau bụng, khó chịu ở vùng bụng dưới
  • Rối loạn tiêu hóa tiêu chảy hay táo bón, buồn nôn
  • Thường xuyên đi tiểu
  • Ăn kém, dễ bị đầy bụng kể cả chỉ ăn nhẹ
  • Chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh, thay đổi bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Đau bất thường khi quan hệ tình dục.

Sau khi được phát hiện bởi xét nghiệm chuyên biệt, siêu âm hoặc tầm soát, điều trị loại ung thư này cần được làm xét nghiệm ung thư giai đoạn muộn bằng sinh thiết mô hoặc sinh thiết lỏng để làm xét nghiệm hóa mô miễn dịch hoặc sinh học phân tử để chẩn đoán loại u, từ đó đưa ra phác đồ phù hợp để lựa chọn loại thuốc thích hợp.

Mối liên hệ giữa Điều trị trúng đích và Ung thư buồng trứng

Dưới đây là các cơ chế tác động chính, thể hiện tầm quan trọng của liệu pháp điều trị trúng đích trong ung thư buồng trứng. Mỗi loại liệu pháp nhắm trúng đích lại có cơ chế hoạt động khác nhau, mời bạn cùng tìm hiểu nhé:

– Ức chế tăng sinh mạch khối u: ngăn chặn hoạt động của phân tử, ức chế sự hình thành mạch máu trong khối u, đồng thời giúp khối u thu nhỏ dần như Bevacizumab (Avastin)[1].

– Kìm hãm, ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư: Điều khiển biểu hiện gen, tác động làm giảm chức năng protein đóng vai trò kiểm soát biểu hiện gen để làm giảm sự tăng sinh.

– Tiêu diệt tế bào ung thư: Thúc đẩy, tác động đến các tế bào ung thư làm cho chúng “chết theo chương trình” (apoptosis) cùng với quy luật tự nhiên. Đây là một phương thức cơ thể loại bỏ các tế bào không cần thiết hoặc tế bào bất thường trong khi các tế bào ung thư có xu hướng lẩn tránh quy luật yếu dần và chết khi bị tổn thương.

– Gây độc tế bào ung thư: Kháng thể đơn dòng gắn với dược chất phóng xạ hoặc hoá chất gây độc làm chúng dễ được hấp thụ vào tế bào ung thư và gây chết tế bào. Các tế bào không phải mục tiêu sẽ không bị ảnh hưởng.

Đối với ung thư buồng trứng, đã có nhiều biện pháp điều trị trúng đích đã được chứng minh có hiệu quả trong điều trị căn bệnh này, tiêu biểu như sử dụng:

– Bevacizumab: Đây là thuốc thuộc nhóm kháng tân tạo mạch máu – là quá trình phát triển và lan rộng, tế bào ung thư cần tạo ra các mạch máu mới để tự nuôi dưỡng chính mình. Thuốc Bevacizumab có khả năng ức chế một protein có tên VEGF (có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành mạch máu mới) nhờ đó, thuốc có khả năng làm chậm hoặc dừng lại sự phát triển của khối u. Thuốc này có thể được sử dụng độc lập hoặc kết hợp với hóa trị liệu, hoặc thuốc Olaparib.

– Thuốc ức chế PARP: nhóm thuốc này bao gồm các thuốc Olaparib, Rucaparib và Niraparib. Enzyme PARP, ở người bình thường, đóng vai trò quan trọng trong một con đường sửa chữa các DNA bị lỗi. Các gen BRCA (BRCA1 và BRCA2) là một con đường song song với PARP trong việc sửa chữa những DNA lỗi này. Bằng cách ức chế con đường PARP, các thuốc PARP khiến các tế bào u ở người có đột biến BRCA không thể sửa chữa các DNA lỗi, kết quả thường là các tế bào này bị chết.

Liệu pháp này là nền tảng mở đầu của nền Y học chính xác, cho thấy những hiệu quả vượt trội đã đem lại những lựa chọn, niềm hy vọng cho nhiều bệnh nhân ung thư vú, phổi và ung thư buồng trứng khi sử dụng các loại thuốc tìm và tấn công các tế bào ung thư, trong khi không gây tổn thương hoặc chỉ gây ra những tổn thương nhỏ cho các tế bào bình thường.

Tuy nhiên liệu pháp điều trị đích vẫn còn một số hạn chế như khiến các tế bào ung thư trở nên kháng thuốc, cũng có thể gây một số tác dụng phụ tùy vào từng loại thuốc và cơ địa của bệnh nhân. Bệnh nhân có thể mệt mỏi, tiêu chảy, cao huyết áp, suy tim, viêm da, viêm niêm mạc, chảy máu, chậm lành vết thương… Một số ít trường hợp bị thủng thành thực quản, ruột, dạ dày… Hầu hết các tác dụng phụ này sẽ biến mất khi ngừng điều trị.

Chi phí của các thuốc điều trị hiện nay cũng vẫn còn khá cao nên nếu nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ, tốt nhất các chị em phụ nữ nên phòng tránh và thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau để bảo vệ bản thân khỏi căn bệnh nguy hiểm này:

  • Chủ động thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ và sàng lọc ung thư để có thể phát hiện sớm và đưa ra các phương pháp ngăn chặn, giảm thiểu rủi ro, nguy cơ tử vong và chi phí chữa trị
  • Thể dục thể thao thường xuyên: Nghiên cứu cho thấy, chỉ với 30 phút tập thể dục mỗi ngày đã có thể giảm gần 20% nguy cơ bị ung thư.
  • Chế độ ăn uống khoa học: ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì sức khỏe.
  • Tránh xa các sản phẩm có nguy cơ gây ung thư: các sản phẩm chứa hóa chất gây ung thư như bột Talcum, chất khử mùi âm đạo, một số loại mỹ phẩm… Các loại khác có thành phần cần chú ý.

Trên đây là những thông tin cơ bản về Điều trị đích và ung thư buồng trứng. Vì các phác đồ điều trị hoạt động theo cơ chế khác nhau, thay đổi tùy theo cách các tế bào sinh trưởng, phân chia, hồi phục và hoạt động của mỗi cá nhân nên mong rằng các chị em phụ nữ luôn cố gắng giữ gìn sức khỏe, tinh thần lạc quan, thường xuyên đi khám định kỳ để nhận được sự hướng dẫn, giúp đỡ sớm nhất từ bác sĩ.

CHEK Genomics hy vọng rằng qua những thông tin trên, bạn đọc sẽ có được những hiểu biết nhất định và hữu ích có lợi cho sức khỏe bản thân và gia đình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *